Theo dõi trên

Giáo dục học sinh qua di sản văn hóa

17/05/2024, 05:13

Bảo tàng ngày nay không còn là ngôi nhà cất giữ những báu vật của loài người, nơi lưu giữ những ký ức của các dân tộc, các nền văn hóa mà cùng với quá trình phát triển của xã hội, bảo tàng giữ vai trò ngày càng lớn trong đời sống xã hội, ở đó khách tham quan có thể học tập, nghiên cứu, giao tiếp, sáng tạo và giải trí.

Giờ học ngoại khóa thú vị

Vượt quãng đường hơn 60 km trên chuyến xe khách, nhưng khi vừa đặt chân đến Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, mọi sự mệt nhọc dường như đã tan biến. 136 học sinh Trường tiểu học Xuân An (TP. Phan Thiết) nhanh chóng xếp thành các hàng và hào hứng để được vào tham quan, tìm hiểu thông tin tại đây.

img_9542.jpg
Giáo viên, học sinh xem hình ảnh trưng bày di sản và lễ hội tại Bình Thuận.

Với nhiều em học sinh lần đầu tiên được nhìn thấy chiếc máy đánh chữ, đài radio, chiếc hăng gô đựng thực phẩm, kẹp đa năng, chông và chiếc đèn ló thụt do cán bộ, chiến sĩ tự tạo trong kháng chiến và nghe kể về tình cảm quân – dân mà đồng bào dân tộc K’ho ở Hàm Thuận Bắc dành cho bộ đội là những trải nghiệm thú vị. Đoàn đi khá đông, trong khi khuôn viên nhà trưng bày rộng chỉ hơn 100 m2 nhưng các em đều giữ trật tự lắng nghe, ghi chép thông tin và đặt ra những câu hỏi cho cán bộ hướng dẫn. Điều đó cho thấy tất cả những hình ảnh, hiện vật đang trưng bày đã gây được cảm xúc, sự hứng thú tìm hiểu của học sinh.

salon.-hoc-sinh.jpg
Học sinh Trường tiểu học Xuân An lắng nghe thuyết minh về các hiện vật.

Đồng hành cùng học sinh tới đây, cô Hàn Thị Bích Hiền – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân An cho biết: Cùng với các hoạt động theo chủ đề được tổ chức tại trường, nhà trường thường xuyên đưa học sinh các khối đến tham quan, học tập tại bảo tàng. Ngoài địa chỉ Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ thì năm học 2023 – 2024, trường đã tổ chức 2 buổi ngoại khóa cho học sinh về với di tích tháp Chăm Pô Sah Inư và Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa. Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh và những thông tin chứa đựng tại các di tích, bảo tàng sẽ là giáo cụ trực quan làm bớt đi sự “khô khan” của các bài giảng lịch sử. Đồng thời góp phần hình thành, hoàn thiện nhân cách, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho học sinh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc ngay từ bậc tiểu học.

z5448142992113_2fd4ac0e570185cfc73928723564c3b3.jpg
Giờ học ngoại khóa thú vị tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ

Nơi cung cấp các cơ hội học tập

Theo định nghĩa mới của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (ICOM), bảo tàng là tổ chức thường trực và phi lợi nhuận phục vụ lợi ích xã hội, đồng thời là nơi nghiên cứu, thu thập, bảo tồn, diễn giải và trưng bày các di sản vật thể và phi vật thể.

Với Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, trong những năm qua đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới về nội dung, hình thức trưng bày phục vụ nhân dân và du khách tham quan. Đặc biệt cụ thể bằng việc phối hợp giữa ngành văn hóa và ngành giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.

khach-tham-quan.11.jpg
Khách tham quan tại Bảo tàng cổ vật Mũi Né

Hiện Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh đang trưng bày theo 7 chuyên đề và có không gian trưng bày ngoài trời phục vụ nhân dân, du khách tham quan. Còn Ban Quản lý di tích tháp Pô Sah Inư, ngoài phục vụ khách đến chiêm ngưỡng nhóm quần thể di tích có lối kiến trúc Hòa Lai – một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Champa, thì đơn vị thường xuyên phối hợp với các trường học trưng bày, giới thiệu các tác phẩm tranh đạt giải do học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh vẽ trong hội thi sáng tác tranh “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương”, mang đến những góc nhìn mới, thể hiện tình cảm của trẻ thơ về di sản văn hóa dân tộc. Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm (Phan Hiệp - Bắc Bình) đã kết nối với các trường học đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm các trò chơi dân gian, thực hành làm gốm, dệt thổ cẩm, làm bánh gừng và khám phá món ẩm thực của người Chăm. Riêng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ đang trưng bày gần 300 hiện vật gốc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Bình Thuận.

hs-tham-quan-tai-trung-tam-vh-cham.jpg
Trải nghiệm thực tế nghề dệt truyền thống của dân tộc Chăm tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm
hs.jpg
Học sinh tham quan tại Nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh

Bà Lư Thái Tuyên – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Để tạo thuận lợi cho nhân dân và du khách tìm kiếm, thu nhận thông tin chính xác nhất, Bảo tàng tỉnh đã và đang từng bước số hóa tài liệu, sưu tập hiện vật, hoàn chỉnh nội dung, hình ảnh, quét mã QR. Cùng với đó tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Bình Thuận để du khách biết, lựa chọn thời gian, hình thức tham quan phù hợp…

“Sự phối hợp giữa các bảo tàng với trường học là cần thiết, giúp cho các bảo tàng phát huy, lan tỏa sâu rộng được các giá trị lưu trữ vào đời sống, góp phần giáo dục thế hệ tương lai tình yêu và lòng tự hào với các di sản văn hóa của đất nước”, bà Lư Thái Tuyên – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh đánh giá.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan

Hội thi học sinh, sinh viên thanh lịch năm 2024
BTO-Tối 15/5, Trường Cao đẳng Bình Thuận tổ chức vòng chung kết Hội thi học sinh, sinh viên thanh lịch - Năm 2024. Tham gia có 20 thí sinh, trong đó có 10 thí sinh nam và 10 thí sinh nữ đã xuất sắc vượt qua hơn 73 thí sinh ở vòng sơ khảo.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục học sinh qua di sản văn hóa