Theo dõi trên

Giáo dục học sinh về văn hóa dân tộc

03/05/2022, 06:30

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là chiến lược phát triển bền vững quốc gia. Trong đó bằng con đường giáo dục và thông qua giáo dục, các giá trị về vật chất, tinh thần, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, lối sống, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… của các dân tộc được lưu truyền, vận hành nối liền qua nhiều thế hệ.

Hoạt động ngoại khóa mang tranh vẽ về di sản vào trong trường học là một trong những chương trình phối hợp giữa ngành giáo dục và Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đang mang lại hiệu quả tích cực.

Bổ sung kiến thức

Khác với thường lệ, giờ chào cờ hôm đó tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bắc Bình có thêm một hoạt động ngoại khóa chủ đề về di sản văn hóa địa phương. Không phải chương trình hái hoa dân chủ, hỏi đáp trên sân lễ, mà các em được tận mắt xem tranh vẽ của các em, các bạn trạc tuổi mình ghi lại qua nét cọ hồn nhiên tuổi thơ. Những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, lễ nghi, lễ hội, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống… của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh đã được học sinh thể hiện một cách sinh động, mộc mạc, hồn nhiên bằng chì màu, sáp, sơn dầu, hạt cát, hạt gạo, hạt đậu.

img_8456.jpeg
img_8458.jpeg
Giáo dục học sinh qua hoạt động ngoại khóa xem tranh vẽ về di sản

Thầy Huỳnh Tam Huynh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bắc Bình cho biết: Bình Thuận có 35 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 34 dân tộc thiểu số… Mỗi dân tộc thiểu số đều có nét văn hóa truyền thống và bản sắc riêng độc đáo cần phải được bảo tồn, giữ gìn, phát huy. Vì vậy các hoạt động ngoại khóa thông qua trải nghiệm thực tế, thi tìm hiểu, xem tranh trưng bày, giới thiệu sẽ giúp học sinh hình thành sự phát triển đúng đắn về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng sống cơ bản. Tạo nên một thế hệ có nhân cách và biết giữ gìn những tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trực tiếp xem tranh, học hỏi cách trình bày, sử dụng chất liệu, ý tưởng để sáng tác cũng là một phương pháp học, khuyến khích các em mạnh dạn, tự tin thể hiện năng khiếu của mình để bước ra những sân chơi lớn hơn của trường, của huyện.

Em Đồng Tạ Thiên Ân – học sinh lớp 9 chia sẻ: Ngoài sáp, chì màu, em không ngờ những chất liệu đơn giản trong đời sống hàng ngày như hạt gạo, hạt cát cũng được sử dụng để sáng tác, tạo sự sinh động, đẹp mắt như vậy. Qua thấy rất nhiều bức tranh của các em lớp 1, lớp 2, thậm chí học sinh của Trường THCS Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) đạt giải cao, đây sẽ là động lực để chúng em mạnh dạn thể hiện bản thân và khơi dậy trong mỗi người niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Đưa thế hệ trẻ đến gần hơn với di sản

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, sự giao thoa về văn hóa bên cạnh góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cũng đặt ra nhiều thách thức. Đó là sự du nhập của những dạng thức văn hóa không phù hợp với truyền thống dân tộc, mà đối tượng dễ ảnh hưởng nhất là giới trẻ. Cộng thêm thực trạng một bộ phận học sinh còn ham mê, yêu thích mạng xã hội, dành nhiều thời gian cho các trò chơi trên internet, ngại học các môn xã hội, nhất là môn lịch sử, đặt ra những yêu cầu đổi mới trong phương pháp dạy và học.

Năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Sở Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất nội dung ký kết chương trình phối hợp về “Hoạt động giáo dục thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó tập trung vào các nội dung tổ chức hoạt động về nguồn tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trong tỉnh góp phần đưa di tích đến gần gũi hơn với thế hệ trẻ, triển lãm hình ảnh chuyên đề về di sản văn hóa địa phương tại các trường học, tổ chức hội thi dành cho học sinh, hỗ trợ tìm kiếm, bổ sung tài liệu dạy và học... Từ đây, tại nhiều trường học đã tạo điều kiện cho học sinh tham gia các lễ hội, tham quan trực tiếp, phối hợp với ngành văn hóa đưa nhiều bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống vào biểu diễn qua hoạt động tập thể, sinh hoạt ngoại khóa.

Động viên học sinh tham gia, yêu thích các hoạt động ngoại khóa, các môn học xã hội, sẽ giúp các em nắm và hiểu rõ hơn những kiến thức về văn hóa truyền thống của dân tộc mình và dân tộc khác. Qua đó góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, ứng xử bằng lòng tự hào dân tộc, bằng hiểu biết và niềm đam mê cái đẹp.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc tại các trường học
BTO- Bằng nhiều hoạt động hấp dẫn, bổ ích, nhiều trường học ở Bình Thuận đã đồng loạt hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), góp phần lan tỏa tình yêu với từng trang sách trong học sinh, sinh viên.
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục học sinh về văn hóa dân tộc