Lộc chữ
Trong tiết trời đầu xuân trong veo, người dân Phú Quý có thói quen lên chùa bái Phật, xin lộc, trước khi đi chúc tết người thân, họ hàng. Lộc ở đây không đơn thuần là cỏ cây, hoa lá ở chùa mà cả những con chữ, do chính “ông đồ trẻ” – thầy giáo Lê Quang Liêu (32 tuổi, giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học Long Hải) viết tặng. Không cổ xưa với khăn đóng, áo dài, cũng chẳng đủ thời gian trang trí, bày biện, nhưng không vì thế mà kém sự trang nghiêm. Hít một hơi thật sâu và đón lấy những mát lành của sương sớm ngày đầu năm, thầy Liêu cẩn thận đặt giấy, mực trên chiếc bàn nhỏ vừa kê ở cổng chùa Linh Sơn phác họa nét đầu tiên bức thư pháp. Vừa kịp hoàn thành thì từng nhóm người đã trật tự xếp hàng chờ tới lượt.
Ông đồ trẻ đang viết thư pháp.
“Tùy vào mục đích và mong muốn một năm mà họ sẽ xin chữ gì. Ví như người lớn thường thích chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An”, “Như ý”… với mong muốn cầu cho cuộc sống của họ bình an, hạnh phúc. Doanh nhân thì thích chữ “Phát”, “Lộc”, “Tài”, “Vượng” mong việc làm ăn, kinh doanh được phát triển, thuận lợi. Nhiều nhất vẫn là nhóm học sinh, sinh viên, với ước mong thành công trên con đường học hành, thỏa mãn mục tiêu của mình và hiếu nghĩa với cha mẹ, các em chọn chữ “Đạt”, “Thành” “Học”, “Hiếu”, “Minh” để treo đầu bàn học”, thầy Liêu chia sẻ.
Cho dù ở ngoài đảo xa hay trên đất liền, truyền thống thờ chữ, chơi chữ và xin chữ vẫn được các thế hệ gia đình người Việt trân quý, giữ gìn. Những câu đối, bức thư pháp được đặt nơi trang trọng và linh thiêng nhất trong nhà là minh chứng cho cách dạy con cháu nhìn vào mà phấn đấu, răn mình và đôi khi mắc phải sai lầm thì thấy để tự chấn chỉnh, sửa chữa.
Đại đức Thích Đức Thế - chùa Minh Pháp (xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) cho biết: Đa số câu chúc được viết bằng chữ quốc ngữ bởi tính thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu. Mỗi bức thường viết trên nền giấy đỏ, giấy vàng, đây là màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Thông qua cái đẹp của nghệ thuật thư pháp, của những nét chữ thanh sạch mà hướng tới mong ước đẹp đẽ cho cuộc sống con người. Bởi thế 4 năm nay, chùa Minh Pháp đều mở rộng cửa đón phật tử và người dân ghé bái Phật, xin lộc là con chữ cho đến ngày mùng 8 tết.
Giữ nét văn hóa người Việt
Xưa kia, người cho chữ thường là các ông đồ học rộng, hiểu nhiều hoặc người đỗ đạt cao, nổi tiếng đức độ. Hình ảnh ấy gắn bó trong những câu thơ quen thuộc của nhà thơ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”. Rồi bẵng đi thời gian, chữ thư pháp không còn thịnh, nhưng không có nghĩa nét văn hóa ấy lụi tàn. Bằng chứng những năm gần đây, thư pháp Việt phát triển mạnh mẽ và ngày càng chuyên nghiệp, thể hiện trên nhiều chất liệu từ giấy các loại, mành tre đến gỗ, gốm sứ, đá, lụa… Riêng tại Bình Thuận có rất nhiều bạn trẻ thế hệ 7X, 8X, thậm chí 9X tự nghiên cứu, học tập, chia sẻ và thành lập các hội, nhóm chữ thư pháp. Họ đều xem viết chữ thư pháp như một thú vui, thỏa niềm đam mê ngoài công việc chính của mình. Cũng như muốn lan tỏa cái đẹp, hướng mọi người chung tay về cái thiện.
Anh Cao Tuấn Thiện, một người viết thư pháp cho biết: “Tôi làm quen với chữ thư pháp từ khi học lớp 8 và theo đuổi đến nay đã 14 năm. Viết thư pháp rất khó, phải dày công luyện tập và dồn tâm huyết của mình vào từng nét cọ thì các chữ mới có thần thái. Hiện tôi đang làm trong lĩnh vực kinh doanh, việc thường xuyên luyện viết thư pháp giúp tôi biết cân bằng cuộc sống để giảm stress và có cái nhìn bao dung, nhẹ nhàng hơn”.
Ở Phan Thiết chưa hình thành các tuyến phố ông đồ như nhiều địa phương. Nhưng những ngày giáp tết, xen lẫn giữa hàng hoa, hàng quà, Thiện và nhóm bạn của mình vẫn ngồi ở chốn cũ trên đường Trần Hưng Đạo hay Lê Duẩn để viết tặng những câu đối, câu chúc bằng chữ quốc ngữ. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển ấy chính là món quà tinh thần, biểu thị cho ước vọng chính đáng, giàu tính nhân văn trong ngày đầu xuân.
Thùy Linh