Theo dõi trên

Gió mùa đông bắc se lòng…

12/12/2021, 19:32

BTO- Theo thông tin từ gia đình, tang lễ của nhạc sĩ Phú Quang sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau đó, ông sẽ  yên nghỉ nơi quê nhà tại Công viên tưởng niệm Thiên Đức, huyện Phù Ninh, Phú Thọ sau một đời bôn ba. Sự ra đi của Phú Quang là một mất mát to lớn với nền âm nhạc nước nhà. Một khoảng trống lớn! Và tôi tự hỏi bao giờ sẽ có một Phú Quang thứ hai? Một Phú Quang vừa tinh tế, tài hoa, thanh lịch lại vừa nồng nàn, day dứt, khắc khoải trong từng ca từ và nốt nhạc như thế!

Hà Nội - một đề tài lớn, chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Phú Quang. Một Hà Nội day dứt nắng, một Hà Nội run run heo may ông đã gắn bó, đã rời xa, đã đau đáu nhớ thương và trở về. Dẫu rằng “Em ơi- Hà Nội phố” là một tượng đài thiêng liêng trong lòng người yêu Hà Nội, yêu nhạc Phú Quang nhưng với góc nhìn cá nhân, tôi vẫn cứ hoang hoải với “Nỗi nhớ mùa đông” của cố nhạc sĩ. Sức sống bài hát này được dệt nên từ nỗi khắc khoải khôn nguôi về một mùa đông của đất Bắc của những người góp phần làm ra nó. Có thể đó là mùa đông của một Hà Nội, một Phú Thọ, một Ninh Bình… và thậm chí của một đời người. Đó là nỗi nhớ nhung quay quắt của những kẻ xa quê nhưng luôn thổn thức một nơi chốn đi về.

Có rất nhiều ca sĩ thành công với ca khúc này, nhưng theo tôi người thể hiện là hay nhất, da diết nhất vẫn là Ngọc Tân.Và thật kì lạ, bộ ba: Thảo Phương, Phú Quang, Ngọc Tân - những người tạo nên dáng vóc và sức sống của ca khúc này lại có những điểm giống nhau đến lạ lùng! Thảo Phương viết “Không đề gởi mùa đông” vào năm 1992 khi cô ấy đã vào Sài Gòn sống. Có lẽ, không tìm được cái lạnh thân quen trong cái nóng hanh hao của Sài Gòn đã khiến cố nhà thơ nhớ về “dòng sông đôi bờ cát trắng”, về “cây cầu”… trong nỗi nhớ thương cố hương rồi bật lên một ước mong  đầy khắc khoải “làm sao về được mùa đông”? Giữa năm 2008, Thảo Phương bị bạo bệnh. Năm ấy, tình cờ tôi đọc một bài báo viết về cô, về những ngày cô chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Bức ảnh làm tôi xốn xang đến tận bây giờ khi nghe “Nỗi nhớ mùa đông” là cô ấy ngồi trên chiếc xe lăn, yếu ớt, mệt nhọc nhìn ra ngoài khung cửa. Trong cái khoảnh khắc ấy, khi nghe “xôn xao tiếng đời”, hoặc “ai đó nói cười”, thậm chí một chút gió se lòng bên ngoài khung cửa kia, liệu có làm cô đau, nhớ, tiếc …cho kiếp người vô thường? Hay trong cái im lặng nhọc nhằn đầy bất lực của thể xác đang bị bệnh tật giày vò là sự khát khao trở về nơi có cái lạnh lẽo nhưng lại có cái ấm lòng?! Bức ảnh ấy và ngày Thảo Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào 19/10/2008 cứ trở đi trở lại trong tôi với hình ảnh “Chiều thu cây cầu đã gãy” để rồi cứ mãi ngậm ngùi, tiếc thương cho một người phụ nữ tài hoa, bất hạnh. Rõ ràng, bài thơ làm nên tên tuổi Thảo Phương được viết vào năm 1992, không phải là lúc cô bạo bệnh nhưng sao thơ cứ vận vào đời thế này?

Công bằng mà nói, bài “Không đề gởi mùa đông” được thăng hoa, được công chúng biết nhiều hơn chính là nhờ con mắt xanh của người nhạc sĩ tài hoa Phú Quang. Bằng một sự tri âm đồng điệu trong nỗi nhớ khắc khoải về nơi có gió mùa đông bắc se lòng ấy, Phú Quang đã thêm và bớt một cách tài hoa để nỗi buồn, nỗi nhớ những ngày đông đất Bắc lại vùa mang một nỗi u hoài, xa vắng lại thiết tha đến vậy!

Và sự da diết ấy lại được chắp cánh qua giọng hát mượt mà, sâu lắng của Ngọc Tân. Ngọc Tân cũng là một người Hà Nội. Ông là một trong những giọng ca nam đẹp trong làng nhạc Việt Nam hiện đại. Những thăng trầm của cuộc sống khiến ông chọn Sài Gòn làm bến dừng chân. Những lúc lòng xác xơ nhất ông lại trở về Hà Nội để thỏa nhớ thương. Phải chăng cùng cảnh ngộ, cùng đôi lần trải qua cái khoảnh khắc im lặng đến tê người trong nỗi nhớ về Hà Nội, đặc biệt là Hà Nội của những ngày đông đã khiến Ngọc Tân hát rất hay những bài hát của Phú Quang đến vậy? Ngày 6/9/2004, trái tim suốt một đời thổn thức vì Hà Nội của người ca sĩ tài hoa đã ngừng đập vì bệnh ung thư gan. Linh cữu của ông được mang về Hà Nội và đó là chuyến trở về mãi mãi mà chẳng cần phải vội vã trở về vội vã ra đi như lúc sinh thời.

Phú Quang, Ngọc Tân, Thảo Phương - ba con người tài hoa này có nhiều điểm chung trong cuộc đời. Ngoài chữ tài, chữ tai ra họ còn có chung hồi ức dịu dàng với Hà Nội lúc đông sang. Bây giờ, họ đã trả nợ trần gian, ở một nơi miên viễn nào đó chắc chắn họ sẽ hội ngộ cùng nhau để cùng cất lên những bài ca phiêu lãng. Trong cuộc hội ngộ này, tôi tin rằng giữa họ sẽ mãi là những câu chuyện xôn xao tiếng đời tươi vui chứ không còn là một nỗi niềm đau đáu vì tất cả họ đã trở về - về với Hà Nội của họ và cả nơi chốn xa xăm nhưng bình yên sau những này dài chịu đựng những cơn đau quái ác.

Tạm biệt ông, Phú Quang… Từ nay Hà Nội dẫu phố quá đông không thấy mặt người nhưng với người Hà Nội và tất cả chúng ta. Ông vẫn còn đấy, sẽ mãi la người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố…dù chỉ là trong hoài niệm.

Nguyễn Khuê Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gió mùa đông bắc se lòng…