Theo dõi trên

Giữ hồn điệu múa Chăm

10/10/2022, 06:02

Câu lạc bộ (CLB) Giữ gìn và Bảo tồn điệu múa Chăm ở xã Phú Lạc (Tuy Phong) hình thành từ nhiều năm nay, trong đó các bạn trẻ luôn là lực lượng nòng cốt kế thừa lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm.

Diễn viên múa quần chúng

Là thành viên CLB Giữ gìn và Bảo tồn điệu múa Chăm, Bích Thị Hồng Văn được mọi người khen ngợi múa đẹp, ngay cả những điệu múa khó và còn có khả năng biên đạo được các bài múa chính để tham gia các lễ hội, lễ tục Chăm ở huyện và tỉnh. Với năng khiếu sẵn có, Hồng Văn tham gia CLB từ khi còn là học sinh trung học cơ sở rồi đam mê đến bây giờ đã là sinh viên năm 3 Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương). Mặc dù đi học xa nhà là vậy nhưng mỗi khi CLB thông báo qua group zalo cần tiết mục múa vào những dịp lễ hội truyền thống của địa phương em đều có mặt. Hồng Văn nhớ lại: “Em biết múa cũng nhờ tham gia sinh hoạt CLB ở xã, em nhớ mãi ngày đó em mới học lớp 7, lúc đầu em phải loay hoay thật lâu mới tập được 1 điệu, đến nỗi thấy em tập không được các cô, các chị phải ngồi xuống lắc đầu... Vậy mà, bây giờ những điệu múa Chăm đã quá quen thuộc với em”. Trong suy nghĩ của cô sinh viên trẻ, đã là người con cháu Chăm phải biết các điệu múa Chămpa cũng là ý thức trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn nét đặc sắc văn hóa người Chăm trong thế hệ trẻ. Điều này thôi thúc Hồng Văn cũng như nhiều bạn trẻ ở xã kiên trì theo đuổi vai “diễn viên múa quần chúng” suốt thời gian dài, ngay cả khi đi học, đi làm xa nhà.

Bích Thị Hồng Văn  cùng các bạn trong nhóm múa.

Theo chia sẻ của Hồng Văn, trong các vũ điệu Chămpa, múa Apsara đòi hỏi người tập phải tập luyện lâu dài. Khi tham gia múa, các vũ nữ đầu đội mũ chóp nhiều tầng, thân hình uyển chuyển, đôi tay họ vươn lên, quanh bụng quấn sampót nhiều lớp, tà bay uốn lượn, hai chân nhún nhảy, chân phải hơi co lên, chân trái nhún hất về sau. Khi múa tập thể, các vũ nữ chống nhẹ tay phải của họ vào hông mình, tay trái giơ cao, gắn kết lại thành một tư thế thể hiện vẻ đẹp đầy sinh lực. Ở điệu múa cá nhân, người vũ nữ luôn choàng khăn mỏng, hai tay vòng lên đỉnh đầu, hai chân chùng xuống đất đều, trọng lượng cơ thể dồn vào mũi chân. Màu vàng hay màu hồng là trang phục chính của các vũ nữ Chăm.

Vũ nữ Chăm với điệu múa dân gian uyển chuyển.

Lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm

Múa Chăm là một loại hình nghệ thuật giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm. Đặc biệt, những điệu múa dân gian đặc sắc hòa với tiếng trống Ginăng và tiếng kèn Saranai là phần hồn không thể thiếu trong các dịp lễ hội, lễ tục Chăm. Trong các vũ điệu Chămpa, hầu hết các điệu múa đều mang sắc thái tôn giáo, tín ngưỡng (các thần linh) và múa cung đình (lễ nghi). Bên cạnh các vũ điệu của thần Siva, nữ thần Uma, nữ thần Apsara… đều là những điệu múa quen thuộc, được thể hiện bởi cá nhân hay tập thể. Múa dân gian Chăm có bốn điệu múa chính là múa quạt, múa đội nước, múa khăn, múa đạp lửa.

Đội múa chính của CLB.

Chị Bích Thị My Nết – Bí thư Xã đoàn Phú Lạc – Chủ nhiệm CLB Giữ gìn và Bảo tồn điệu múa Chăm trong lực lượng đoàn viên cho hay: “Các thành viên tham gia CLB chủ yếu là các em học sinh, sinh viên và đoàn viên thanh niên. Vào các dịp lễ hội như: Lễ hội Ramưwan, Katê, Tháp Po Dam (Pô Tằm)… mình huy động các bạn tham gia và chuẩn bị các khâu như các dụng cụ tập luyện để múa. Còn 2 chị nữa đảm nhận dạy các điệu múa, trước đó phải chọn bài trước, nghiên cứu các điệu múa rồi tranh thủ ban đêm tập luyện. Các bài múa chào mừng mở đầu lễ hội cần lực lượng múa lớn từ 50 người thường huy động các em học sinh ở xã. Còn đội múa chính thường thì cần 7 -10 em tham gia CLB lâu vì các điệu múa khó. Không chỉ tham gia biểu diễn các lễ hội, đội múa quần chúng xã Phú Lạc đại diện cho huyện Tuy Phong tham gia các chương trình văn nghệ cấp tỉnh đoạt giải cao.

Các bạn trẻ tranh thủ tập múa ban đêm.

Có thể nói, CLB Giữ gìn và Bảo tồn điệu múa Chăm ở xã Phú Lạc đã góp phần lưu giữ, thổi hồn nghệ thuật múa Chăm đến với các bạn trẻ. CLB cũng là nơi tập hợp thêm ngày càng nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê hòa mình vào những điệu múa uyển chuyển, linh hoạt trong mỗi dịp lễ hội. Đây là môi trường phát huy sở trường, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật của các bạn trẻ để bổ sung lực lượng kế thừa tiếp nối và duy trì bản sắc văn hóa Chăm tại địa phương.

THANH DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Múa Chăm trên tháp Ponagar
BT- “Nếu như ngọn tháp Po Sah Inư (Phan Thiết) uy nghiêm và cổ kính đã thu hút du khách  thì tháp Bà Ponagar,  Nha Trang, (Khánh Hòa) cũng là một trong những điểm tham quan của du khách”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ hồn điệu múa Chăm