Đây là những tác phẩm văn chương với nhiều thể loại khác nhau, như thơ ca, tráng ca, sử thi, gia huấn ca... nội dung phong phú và đa dạng, thường miêu thuật về sinh hoạt của xã hội, các tầng lớp trên như vua chúa, tăng lữ và các tầng lớp dưới của xã hội... Ariya còn là kho tàng tri thức quý hiếm chứa đựng nhiều nội dung, cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, giáo dục của cộng đồng người Chăm.
Chức sắc Chăm Bà ni xem văn bản Ariya. Ảnh Thành Phần
“Ariya là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit của Ấn Độ. Theo tiếng Sanskrit, Ariya có nghĩa là thánh thiện, cao quý. Loại hình đọc ngâm Ariya là một thi ca cổ điển mang tính tự sự về tình cảm con người và xã hội rất phong phú và đặc sắc còn được lưu truyền”. Nghệ nhân ưu tú Lâm Tấn Bình nói tại hội thảo khoa học về Ariya.
Trước đây, Ariya được truyền thụ và lưu truyền từ đời này sang đời khác như là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến không thể thiếu được đối với cộng đồng người Chăm. Qua các thư tịch cổ sưu tầm và nghiên cứu được cho biết: Ariya phổ biến và hưng thịnh nhất trong các triều đại các vua Chăm từ đời vua Pô Klong Garai, Pô Klong Mơh Nai, Pô rome.
Trong nghiên cứu của mình, PGS.TS.Thành Phần ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, loại hình văn bản học này được thể hiện qua diễn xướng hát ngâm đặc sắc bao gồm nhiều làn điệu và giọng ngâm, có thể xem như một loại dân ca đã được lưu truyền nhiều đời nay trong tộc người Chăm qua hình thức truyền miệng và sao chép truyền thụ qua văn tự. Có 8 thể loại, 9 làn điệu hát ngâm Ariya trong cộng đồng người Chăm, tùy theo từng vùng và địa bàn cư trú để sử dụng từng thể loại phù hợp với những điệu hát ngâm khác nhau. Đây là một loại hình của văn hóa dân gian thuộc về lĩnh vực sáng tác của quần chúng lao động được truyền thụ bằng truyền miệng. Những văn bản lưu giữ Ariya có niên đại sớm khoảng hơn 3 thế kỷ trước được viết tay trên lá buông xếp chồng lên nhau. Có loại viết tay trên lá buông gập lại với nhau theo hình thức tấm sáo. Lại có loại viết trên giấy dày thường được xếp lại theo kiểu tấm sáo hoặc đóng thành tập…
Ariya thường được thể hiện trong những hoàn cảnh khác nhau. Có khi là những điều uẩn khuất trong tình cảm, những điều bất bình trong xã hội không thể hiện được bằng lời nói bình thường. Khi đó người trong cuộc sẽ ghi chép lại thành văn thơ Ariya và cất lên những giọng ngâm theo làn điệu Ariya sâu lắng và đầy truyền cảm. Các văn bản lưu giữ Ariya sưu tầm được cho thấy những nội dung như vậy trong những vùng có người Chăm sinh sống.
Ariya đã góp phần giáo dục hình thành nhân cách cho con người, ý thức về cội nguồn, thể hiện lòng hiếu thảo, thiện tâm trong đối nhân xử thế. Những nội dung phản ánh của Ariya cho thấy có một sức sống mãnh liệt và sâu rộng với các giá trị và ý nghĩa cũng như vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng người Chăm.
Thế nhưng hơn nửa thế kỷ nay, cùng với những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau đã tác động và ảnh hưởng xấu đến môi trường vốn tồn tại của Ariya hàng trăm năm qua. Mặt khác, trước sự tác động ảnh hưởng bởi môi trường xã hội hiện đại, đời sống sinh hoạt cộng đồng các dân tộc nói chung và dân tộc Chăm nói riêng đang dần thay đổi, thế hệ trẻ ngày nay không có điều kiện và cơ hội để tiếp nhận và lưu truyền. Số nghệ nhân biết hát ngâm Ariya ngày càng giảm nhiều, chưa kịp trao truyền di sản cho thế hệ kế nghiệp, đã mất đi do tuổi cao sức yếu. Ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ Ariya của chính dân tộc mình trong một bộ phận người dân còn hạn chế.
Đây là những nguyên nhân làm cho Ariya không còn phổ biến như xưa và ngày càng mất dần, chỉ còn lưu giữ trong những gia đình chức sắc như tăng lữ Bàlamôn, giáo sĩ Bàni và thầy cúng người Chăm. Vì đối với họ các văn bản liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lịch pháp như một bảo bối để sử dụng thực hành các lễ nghi tôn giáo nên thường được sao chép rất cẩn thận. Đồng thời họ xem đây là tri thức của tiền bối để học hỏi trên con đường hành nghề và tu luyện của mình. Với họ vừa hành nghề cũng vừa là cách truyền dạy và lưu giữ cho thế hệ sau.
“Trong tương lai không xa, nếu không tiến hành nghiên cứu và sưu tầm kịp thời, những tài sản vô giá này sẽ cùng với những già làng và các nghệ nhân cao tuổi ra đi mãi mãi, không có cơ hội để cứu vớt những gì còn lại. Cần được cả cộng đồng bảo vệ” - PGS.TS. Thành Phần chia sẻ.