Theo dõi trên

Giữ rừng hiệu quả từ cộng đồng

18/05/2022, 09:08 - Lượt đọc: 750

Tại xã Phan Điền (Bắc Bình) việc giao khoán bảo vệ rừng đến từng thôn và từng hộ gia đình mang lại hiệu quả giúp đồng bào dân tộc thiểu số Raglay có thu nhập từ rừng vừa nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, hạn chế nạn phá rừng.

z3422762520415_95e3f6b2949f34e08b37e41ab0d09aaa.jpg
Giao khoán bảo vệ rừng cải thiện sinh kế cho đồng bào DTTS, góp phần hạn chế nạn phá rừng.

Toàn xã Phan Điền có tổng diện tích rừng 10.091,8 ha, tính từ thời điểm năm 2018 đến nay tổng diện tích đã giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ là trên 9.722 ha với 227 hộ đồng bào DTTS. Trong đó, có 183 hộ nhận khoán hơn 7.322 ha rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phan Điền, 44 hộ nhận khoán 2.400 ha rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Mao. Do địa hình đồi núi hiểm trở, diện tích rừng nhận khoán là khu vực giáp ranh với huyện Tuy Phong, tỉnh Lâm Đồng nên các hộ nhận khoán đều đi xa, số ngày đi bảo vệ rừng nhiều, có lúc phải gác lại việc nhà, việc nương rẫy tuần tra rừng. Khó khăn là vậy, nhưng các hộ nhận khoán chấp hành tốt thời gian, lịch tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ vậy, mà kịp thời phát hiện xử lý các đối tượng khai thác rừng trái phép như tịch thu tang vật, đốt và hủy xe vi phạm. “Rừng là Nhà nước giao, người nhận khoán luôn nhắc nhở nhau không được phá, đốt rừng làm nương rẫy, nếu phát hiện chúng tôi báo cơ quan chức năng để góp phần bảo vệ được tài nguyên rừng. Đến hết quý là Nhà nước phát tiền công giúp bà con tăng thêm thu nhập. Cái khổ là do cánh rừng xa, vào mùa khô đối tượng phá rừng hoạt động nhiều phải đi dài ngày, đi rừng còn thiếu nước uống…” - anh Mang Chí, một hộ dân nhận khoán hơn 40 ha rừng chia sẻ.

Khi nhận khoán các hộ dân chia thành các tổ, luôn nêu cao trách nhiệm của từng tổ viên trong việc bảo vệ, đấu tranh chống lại các đối tượng phá rừng, các thành phần cấu kết với đối tượng phá rừng. Khi phát hiện có dấu hiệu khai thác rừng trái phép, các tổ phối hợp cùng nhau, phân chia thời gian hợp lý đảm bảo luôn có tổ viên tuần tra bảo vệ rừng làm cho các đối tượng phá rừng không dám vào rừng khai thác. UBND xã Phan Điền thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Phan Điền, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Mao kiểm tra, giám sát cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng. Hàng quý, 2 Ban Quản lý rừng đều nghiệm thu trên diện tích rừng các hộ dân nhận khoán.

“Hầu hết diện tích rừng đều được người dân bảo vệ tốt, không để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng nghiêm trọng nào trên địa bàn xã. Cây rừng ngày càng phát triển, mật độ rừng tái sinh dày hơn, cây con mọc nhiều hơn. Từ việc tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã góp phần giải quyết được công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho đồng bào DTTS, tạo động lực gắn bó thực sự với rừng”, ông Mang Beo - Chủ tịch UBND xã Phan Điền đánh giá.

Ông Mang Beo cho biết thêm, khó khăn hiện nay là chính sách tiền công nhận khoán bảo vệ rừng còn thấp trong khi giá cả các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân ngày càng tăng. Một số hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Mao phải bảo vệ diện tích rừng rất lớn, mỗi hộ gần 60 ha, chế độ tiền công ít. Ban quản lý rừng cần luân phiên trao đổi diện tích nhận khoán tạo sự công bằng. Mặt khác, việc thanh toán tiền công nhận khoán bảo vệ rừng cho các hộ nhận khoán còn chậm trễ, chưa đúng thời gian quy định đã ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Địa phương đề nghị các cấp, ngành của tỉnh kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng cho phù hợp so với quy định theo Nghị định số 75 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT quan tâm giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ người dân tham gia nhận khoán chăn nuôi dưới tán rừng để tăng thu nhập.

C.TƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đối tượng dùng xe múc đập phá 2 xe ô tô lĩnh án
BTO - Sáng nay 17/5, Tòa án nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc đã tiến hành tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Hoàng (25 tuổi, quê Kon Tum) mức án 2 năm 6 tháng tù giam về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại khoản 2, Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ rừng hiệu quả từ cộng đồng