Theo dõi trên

Giữ trọn lời thề với Đảng qua học tập và làm theo Bác

06/04/2023, 05:26

Chỉ với 22 chữ: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, nhưng Giáo sư Hoàng Chí Bảo đã cụ thể hóa thành một chuyên đề có ý nghĩa lớn, qua đó góp phần giáo dục và soi rọi lại mình của mỗi cán bộ, đảng viên.

dsc_9399.jpg
Giáo sư Hoàng Chí Bảo truyền cảm hứng học tập và làm theo Bác tại hội nghị (ảnh Đình Hòa)

Thiết thực và ý nghĩa

Hội nghị học tập, quán triệt chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận vừa tổ chức, giữa bối cảnh toàn tỉnh đang diễn ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với chủ đề “Giữ trọn lời thề đảng viên”, trên tinh thần Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, người bậc thầy kể những câu chuyện hay về Bác, được mời để truyền cảm hứng học tập, làm theo Bác, liên quan đến chuyên đề cho gần 2.000 lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh. Điều ấy thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và tính quan trọng và nghiêm túc trong rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống và tác phong làm việc tận tâm, cống hiến mà lãnh đạo tỉnh muốn gửi đến cán bộ lãnh đạo, đảng viên, điều mà Bình Thuận đang quan tâm nhất lúc này.

Mở đầu chuyên đề giáo sư nói với giọng chân thành và tình cảm, “Bình Thuận có Trường Dục Thanh, có công viên mang tên Nguyễn Tất Thành, có 35 dân tộc, chiếm quá nửa trong tổng số 54 dân tộc anh em trên cả nước. Hơn nữa còn có trên 41.000 đảng viên, nhiều hơn gấp 8 lần so với thời Cách mạng Tháng 8 chưa đầy 5.000 đảng viên mà Bác và Trung ương lãnh đạo. Chưa kể một nửa công dân đang là tuổi thanh niên, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ. Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nội dung chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2023 được chọn là một chuyên đề hết sức có ý nghĩa, đó là xoay quanh vấn đề văn hóa và con người, giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Điều này trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/11/1946, Bác Hồ đã nêu rõ: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”.

"Với tiềm lực và tiềm năng đó, Bình Thuận biết khai thác và phát huy giá trị ấy, góp phần thực hiện tốt khát vọng của Đảng, phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc để dân tộc ta cường thịnh, trường tồn", giáo sư nêu thêm. Gần 2.000 cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đảng viên say sưa nghe giáo sư kể những câu chuyện về Bác, có liên hệ thực tế để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi rọi, học làm theo.

dsc_9403.jpg
Lãnh đạo, cán bộ chủ chốt nghe GS. TS Hoàng Chí Bảo nói chuyện về Bác (ảnh Đình Hòa)

Soi rọi lại mình qua những câu chuyện, lời dạy

Những câu chuyện ấy liên quan đến ngành giáo dục, công an nhân dân, quân đội, tuyên giáo, dân vận và cả đức tính tiết kiệm, chống lãng phí. Một trong những câu chuyện đó, bắt đầu từ sự kiện gần nhất, ngành công an vừa kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 điều dạy Công an nhân dân.

Giáo sư nói: Ngày 11/3/1948 tại chiến khu Việt Bắc, Bác viết thư gửi cho một người lãnh đạo công an còn rất trẻ, chỉ mới 27 tuổi mà ông đã đảm nhiệm chức vụ giám đốc công an cả Khu 12, nơi gồm 7 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hồng Gai và Hải Ninh trong kháng chiến. Sự kiện này nhắc nhở các nhà lãnh đạo của chúng ta hôm nay học Bác cách dụng người. Người lãnh đạo trẻ ấy chính là đồng chí Hoàng Mai. Sau này là Thiếu tướng Hoàng Mai - Viện trưởng Viện Khoa học Công an, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND. Trong thư Bác có nêu 6 điều: "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính/Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ/Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành/Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc, phải tận tụy/Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

6 điều ấy, chỉ vỏn vẹn 51 chữ, nhưng có ý nghĩa giáo dục to lớn, không chỉ dạy riêng cho công an mà còn dạy cho tất cả chúng ta hôm nay, nhất là cán bộ, đảng viên. Vì theo giáo sư, tuyệt đối trung thành với Chính phủ là văn hóa chính trị, bản lĩnh chính trị; kính trọng lễ phép với nhân dân là văn hóa dân vận. Bác là bậc thầy về dân vận. Bác dùng chữ “nhân dân” ở đây rất đa nghĩa, đa dạng, coi nhân dân, đồng bào, quần chúng là cộng đồng người Việt Nam, nhân dân là chủ của đất nước. Năm 1949, Bác viết tác phẩm “Dân vận” nổi tiếng, tác phẩm này thành cẩm nang của chúng ta. Muốn “dân vận khéo”, cán bộ phải có đủ phẩm chất, năng lực, phong cách tiên phong, gương mẫu. Và theo Bác, tiêu chuẩn cán bộ dân vận chỉ gói gọn trong 12 chữ vàng: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Dân vận khéo, việc gì cũng thành công, dân vận dở việc gì cũng hỏng; dân vận khéo thì việc gì khó mấy cũng vượt qua, mà không có dân giúp sức thì có dễ bao nhiêu cũng không làm được, gần dân thì dân giúp, mà xa dân thì không làm được gì cả, dù có tài giỏi bao nhiêu cũng chịu.

Công tác dân vận vô cùng quan trọng nên các cơ quan nhà nước phải chú trọng. Đây là giải pháp then chốt để chống quan liêu, chống tham nhũng, có dân giúp sức, có dân kiểm soát thì mọi việc đều ra ánh sáng, khắc phục được nhiều điều đáng tiếc có thể xảy ra. Bác nói: “Dân vận phải thật thà, nhúng tay vào việc, tức là nói đi đôi với làm, dân vận phải đến với dân, chứ không ngồi trong phòng giấy, tức là văn phòng chỉ tay năm ngón”.

Với thiếu nhi có 5 điều “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Học tập tốt, lao động tốt. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Giữ gìn vệ sinh thật tốt. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. 5 điều này Bác đã sửa lại thật hoàn chỉnh trước lúc đi xa, để lại cho chúng ta một di sản giáo dục, các nhà quản lý, các thầy cô giáo bậc tiểu học hãy cố gắng truyền đạt cho các cháu. Chỉ với 30 chữ, là cả một triết lý giáo dục ở bậc tiểu học… ngụ ý nói lên rằng, Bác không chỉ dạy trẻ em, mà cả người lớn chúng ta phải soi rọi lại mình học những điều cao quý đó.

Còn nhiều câu chuyện về Bác, người mang tri thức uyên bác Đông Tây kim cổ, thông thạo nhiều ngoại ngữ, là nhà chính trị tài ba, nhà ngoại giao sắc sảo, nhà báo, nhà thơ lớn của dân tộc, mà Giáo sư Hoàng Chí Bảo không thể chuyển tải hết được trong một thời gian ngắn. Kết thúc buổi nói chuyện, giữa lúc các đại biểu rời khỏi ghế, tôi nghe anh bạn ngồi bên cạnh nói: Hay quá! giáo sư nói đúng, Ban tổ chức Hội nghị đã chọn một chuyên đề rất hay, để giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi rọi lại mình qua Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để giữ trọn lời thề đảng viên.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bình Thuận thực hiện Nghị quyết số 22: Nâng cao năng lực phòng thủ dân sự
Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo đặt ra mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ trọn lời thề với Đảng qua học tập và làm theo Bác