Nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản của thế giới cũng như nền kinh tế trong nước đang trong quá trình phục hồi phát triển. Nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện dẫn đến nguồn cung bất động sản, nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.
Tỉnh Bình Thuận cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây thị trường bất động sản “đóng băng” khiến không ít doanh nghiệp phải lao đao. Đặc biệt là từ cuối năm 2022, một số doanh nghiệp bất động sản đã phải đối mặt với tình trạng dòng vốn bị thắt chặt, có doanh nghiệp không có vốn để triển khai tiếp dự án đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, bàn giao cho khách hàng. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp gặp khó khăn về pháp lý trong cấp phép, xét duyệt các hồ sơ dự án. Trước bối cảnh trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đã tìm cho mình những giải pháp như cắt giảm nhân sự, thi công cầm chừng… Nguyên nhân chính là do các chính sách tiền tệ như: tín dụng ngân hàng, trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ, cùng với đó là lãi suất ngân hàng tăng cao càng khó khăn hơn cho nhà đầu tư. Hiện nay, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến, tuy nhiên thị trường vẫn còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và tổ chức thực thi của địa phương cần được tập trung tháo gỡ, thúc đẩy. Trước những khó khăn về thị trường bất động sản, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33, ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ còn thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và ban hành nhiều công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Mới đây nhất, ngày 3/4/2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 10, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ ngày 20/5/2023. Theo đó, nghị định này sẽ tháo gỡ những nút thắt hành chính đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư bất động sản. Nghị định này sẽ bổ sung nhiều quy định thi hành Luật Đất đai 2013, sẽ giúp làm rõ các quy trình như: Giao đất khi chỉ có một nhà thầu đáp ứng tiêu chí sơ bộ cho 1 dự án; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án bất động sản không phải là nhà ở; thỏa thuận chuyển nhượng dự án; chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phải là đất ở để phát triển dự án; quy định thời hạn để cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giá tiền sử dụng đất và bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất. Các quy định mới sẽ làm rõ điều kiện, quy trình giao đất sau khi chủ đầu tư hoàn thành giai đoạn giải phóng mặt bằng. Điều này tác động trực tiếp và tích cực đến các dự án khu dân cư mà các nhà đầu tư đang triển khai hoặc đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, các dự án nghỉ dưỡng cũng sẽ được hưởng lợi và các loại dự án khác cũng sẽ được hưởng lợi khi mà Nghị định 10 hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho các dự án này. Nhiều dự án đã và đang bị trì hoãn bởi quy định cũ không rõ ràng, chủ yếu liên quan đến đất xen kẽ trong các dự án như đất nông nghiệp, đất ven sông, đất công. Nhưng các quy định mới trong Nghị định 10 đã quy định một cách rõ ràng hơn về điều kiện cũng như quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nghị định 10 là một sự hỗ trợ tích cực và cho thấy các cơ quan chức năng đang trăn trở với các vấn đề mà ngành bất động sản đang phải đối mặt. Nghị định còn tháo gỡ những nút thắt hành chính đã gây khó khăn cho các nhà phát triển bất động sản trong nhiều năm qua…