Nhiều tiềm năng
Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước, Đa Mi trở thành “thủ phủ” của nhiều loại cây ăn trái thơm ngon có tiếng, đặc biệt là “sầu riêng Đa Mi” đã trở thành thương hiệu. Hiện nay, toàn xã Đa Mi có trên 835 ha sầu riêng, 610 ha bơ, 205 ha mít và 52 ha măng cụt… Những năm qua, tận dụng lợi thế này, nhiều chủ vườn đã cho khách vào tham quan chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch trái chín và thưởng thức ngay tại vườn.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Đa Tro, xã Đa Mi) có hơn 2,5 ha với nhiều chủng loại trái cây như sầu riêng, măng cụt, bơ… Thời gian đầu, anh Sơn chỉ bán cho thương lái. Thế nhưng vài năm trở lại đây, anh đã kết hợp thêm làm du lịch, tăng thu nhập cho gia đình. “Thường thì vào dịp cuối tuần hoặc khi vào hè, lượng khách đến đông. Đa phần là khách trong tỉnh và các địa phương lân cận như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… đi theo nhóm nhỏ bạn bè hoặc gia đình. Nhờ vậy, gia đình tôi không lo đầu ra của sản phẩm, nông sản vẫn được tiêu thụ tại chính vườn của mình”, anh Sơn nói.
Cũng theo anh Sơn, để làm được mô hình này, đòi hỏi mỗi nhà vườn phải hướng đến sản xuất sạch. Bởi du khách rất quan tâm đến vấn đề này.
Trong khi đó, tại xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân), Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng cũng đã liên kết với đơn vị du lịch khu vực Hồ Tràm, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa khách đến tham quan những vườn nhãn nghịch vụ có trái chín trên địa bàn và nhận được phản hồi tích cực từ du khách. Ông Trần Kim Trung – Chủ tịch Hội Nông dân xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, cho biết, hiện tại đã có rất nhiều đoàn khách đến check–in thưởng thức nhãn tươi và sản phẩm nhãn sấy tại vườn với giá vé 50.000 đồng người lớn, còn trẻ em miễn phí. Nhãn mua về sẽ tính theo thời giá thị trường. “Đây là hướng đi tích cực, vừa giúp nhà nông tiêu thụ sản phẩm, vừa góp phần đánh thức tiềm năng du lịch địa phương”, ông Trung chia sẻ thêm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 điểm khai thác du lịch nông nghiệp, tập trung ở 4 huyện: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông ở những địa phương này đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Bà con nông dân trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Các sản phẩm OCOP trở thành đặc sản của địa phương và tăng thêm giá trị cũng nhờ có du lịch... Điển hình như, ở huyện Tánh Linh gắn với các chuỗi sản phẩm: hạt điều, cá thát lát, đồ gỗ mỹ nghệ các loại; Các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bắc Bình gắn với các chuỗi của sản phẩm như thịt bò 1 nắng, dưa lưới, dông thịt; huyện Tuy Phong gắn với các chuỗi sản phẩm khác như nho, ớt chim La Gàn, mủ trôm, thảo dược từ cây đinh lăng, tham quan, dã ngoại câu cá giải trí; các sản phẩm như bưởi da xanh Đông Hà, sầu riêng Rô Mô, cà phê, hạt điều, hồ tiêu ở huyện Đức Linh…
Vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ
Phát triển du lịch canh nông được được xem là rất tiềm năng, thế nhưng trong quá trình triển khai lại gặp không ít những khó khăn, bất cập. Đó là, về quy hoạch, đầu tư, du lịch nông thôn còn phát triển theo xu hướng tự phát, chưa có chiến lược phát triển cụ thể. Việc chuyển đổi từ nông nghiệp sang mô hình kết hợp du lịch nông thôn đối với các hộ nông nghiệp còn nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao. Mặt khác, chưa có sự liên kết hoạt động giữa các tổ chức du lịch, các tour dẫn đến hiệu quả mô hình chưa được phát huy. Bên cạnh đó, các khu du lịch sinh thái chủ yếu sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng, đất thủy lợi để thực hiện xây dựng, chỉ có một phần nhỏ là đất ở hoặc đất quy hoạch thương mại dịch vụ. Chính sách về đất đai, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, canh nông chưa rõ ràng, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, việc tận dụng các thế mạnh nông nghiệp để hình thành những mô hình nông trại sinh thái, du lịch canh nông kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm là một hướng đi hợp lý, nhưng tiềm ẩn phá vỡ quy hoạch vùng, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tại cuộc họp nghe báo cáo, rà soát hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh vừa mới diễn ra vừa qua, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Hoạt động du lịch sinh thái, du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh nếu được triển khai bài bản, quy củ; được khai thác gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, văn hóa tại địa phương sẽ mang lại sắc thái mới, sức sống mới ở vùng nông thôn của tỉnh cùng nhiều lợi ích phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận người dân. “Làm tốt mô hình du lịch này chính là chuyển đổi được tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “phát triển kinh tế nông nghiệp”. Đặc biệt là phát triển du lịch gắn với nông nghiệp trở thành phong trào và lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.
Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn công tác học tập kinh nghiệm ở một số tỉnh có mô hình hay, hiệu quả; cùng với đó khảo sát đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển loại hình kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch canh nông. Trên cơ sở kết quả học tập kinh nghiệm, khảo sát thực tế đối chiếu quy định pháp luật có liên quan, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông. Trong đó nêu rõ quy trình, trình tự thủ tục, các khâu, các bước triển khai dự án du lịch sinh thái, du lịch canh nông, trình UBND tỉnh trong tháng 3/2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát, bám sát các kế hoạch của tỉnh, của địa phương, chủ động triển khai các công việc liên quan. Đồng thời, quản lý chặt chẽ tình hình đầu tư xây dựng, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các cơ sở đang hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Mặt khác, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, xây dựng các điểm du lịch sinh thái trái phép.
Có thể nói, so với rất nhiều tỉnh, thành khác, Bình Thuận rất có lợi thế để phát triển du lịch canh nông. Nhiều độc giả cho rằng, để thu hút du lịch canh nông cần nhà nhà, người người cùng làm, tạo thành những làng du lịch. Chính quyền cần có những chính sách hỗ trợ rõ ràng và nhất quán. Khi nhà nước và nhân dân đồng lòng làm thì Bình Thuận sẽ là điểm đến của du khách và ngày càng giàu đẹp hơn.