Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã bổ sung nhiều điểm mới như: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Tham gia thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng tình cao với kết cấu, bố cục nội dung các chương, điều trong dự thảo Luật. Góp ý cụ thể về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đại biểu cho rằng, Dự án Luật đã quy định về phạm vi điều chỉnh nhưng chưa quy định về đối tượng áp dụng. Vì vậy, cần quy định đối tượng áp dụng vào dự án. Tại Điều 20 quy định các trường hợp sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản của cộng đồng dân cư. Đại biểu kiến nghị cần xác định cụ thể trường hợp nào cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp nào cần thay thế, bãi bỏ.
Đối với hình thức công khai thông tin cho nhân dân biết: Theo điểm G, khoản 1, Điều 10 quy định: “Thông qua mạng xã hội zalo, viber, facebook...” là không cần thiết. Vì có thể sau này facebook, viber, zalo không còn tồn tại hoặc sẽ xuất hiện thêm các trang mạng xã hội khác thịnh hành hơn. Đại biểu kiến nghị nội dung này chỉ dùng cụm từ “Thông qua mạng xã hội”.
Tại Điều 37 của Dự án Luật quy định về “Những nội dung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến trước khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định” trong đó có “Giải pháp thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị”. Tuy nhiên, các văn bản của Đảng bao gồm nhiều hình thức: Cương lĩnh chính trị; Điều lệ Đảng; Chiến lược; Nghị quyết; Quyết định... Vì vậy việc quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chỉ tham gia ý kiến đối với giải pháp thực hiện nghị quyết là chưa đủ. Do đó, đại biểu kiến nghị cần điều chỉnh nội dung tại khoản 1, Điều 37 để đảm bảo đầy đủ các hình thức văn bản của Đảng…
Một số đại biểu cũng cho ý kiến về trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành quy định hành chính bất lợi cho công dân và liên quan tới lợi ích của cộng đồng; rà soát lại quy định về việc ban hành nghị quyết của cộng đồng dân cư...
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, ông Nguyễn Hữu Thông cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo luật.