Theo dõi trên

Hai lần vượt Trường Sơn!

28/07/2023, 06:09

Đó là tựa đề cuốn sách thứ 4 viết về đề tài chiến tranh của tác giả Kim Toàn, nguyên phóng viên Báo Giải Phóng. Ngày 23/7/2023, nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, tại thành phố Cảng – Hải Phòng, hơn 100 bạn bè, đồng nghiệp nhà báo và nhà văn đã tổ chức tọa đàm ra mắt tập sách quý. Khán phòng nhiều hoa tươi, nụ cười chúc mừng, có cả nước mắt của sự rung động trào dâng dành cho chiến sĩ – thương binh, nhà báo Kim Toàn. Một bạn văn hỏi Kim Toàn:

z4541349545557_4451b63fc99e5a4c6328775a7a26c174.jpg

- Trong sách, ông miêu tả xúc động tình cảm của các cô gái thanh niên xung phong thật đẹp, trong sáng, vô tư dành cho anh bộ đội, nhà báo Kim Toàn trên đường hành quân ra trận, dù chỉ là cuộc gặp ngắn ngủi bên hố bom, cạnh mố cầu vừa bị bom đạn Mỹ cày xới.

Dừng lại giây lát, bạn văn nhắc lại điều Kim Toàn thổ lộ:

- Cô gái thanh niên xung phong tên Mận ôm chầm lấy Kim Toàn mà thì thầm, mai mốt khi thắng trận trở về, nhớ ghé quê em bên dòng sông Ngàn Phố ta làm đám cưới nha anh thân yêu!

Tác giả Kim Toàn, năm 2023 đã vượt qua tuổi 83 nở nụ cười rất tươi tắn, đứng dậy thưa lại câu hỏi mà bạn văn đặt ra:

- Đặt trong bối cảnh cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt, giữa các tọa độ lửa Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô trên con đường 20 huyết mạch, sự sống và cái chết trong gang tấc, tình yêu nhân văn, rất đáng trân trọng mà các cô gái phơi phới tuổi thanh xuân dành các anh bộ đội chưa một lần gặp mặt, cũng không biết anh bộ đội ấy quê ở đâu, gia cảnh như thế nào là có thật.

Nhớ lại những kỷ niệm đẹp trên đường Trường Sơn, trái tim như ngừng đập, đôi mắt rớm lệ, Kim Toàn xúc động:

- Trong sự sinh tử ấy, không chỉ em Mận nào đó và Kim Toàn mà cả ngàn cô gái, ngàn chiến sĩ đều đang ở độ tuổi đẹp nhất cuộc đời đều có tình cảm rất con người, rất thật và nhân văn. Khi vào đến binh trạm phía trong, đoàn hành quân chúng tôi nhận hung tin, chỉ hơn 3 giờ sau cuộc gặp trên cung đường ấy, máy bay Mỹ trút bom xuống trận địa – cung đường trọng điểm, em Mận và gần như cả đại đội thanh niên xung phong bị xóa sổ.

Kim Toàn kể lại trên các trang viết thấm đậm máu của mình, các cung đường ra trận thuộc Khu VI, vùng cực Nam Trung bộ, kẻ địch dội mưa bom bão đạn, chà đi xát lại, bọn lính bắn tỉa, bom bi, bom từ trường, mìn nổ chậm rải đầy các trọng điểm, bộ đội và thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sườn phía Đông và phía Tây kề vai sát cánh bên nhau, bảo vệ sự an toàn, thông suốt, nối liền mặt trận Khu V với mặt trận B2. Người trước ngã xuống, người sau thay thế, những đoàn quân tiếp viện cho các mặt trận trùng trùng điệp điệp.

Những trang viết “Hai lần vượt Trường Sơn” của Kim Toàn, cũng như trong tác phẩm “Mây phủ Giăng Màn” của Thanh Liêm, cựu phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, sau này là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thuận Hải - Bình Thuận và Ninh Thuận, tình yêu thật đẹp trên đường Trường Sơn, bom đạn quân thù có thể đổ ập bất cứ lúc nào, ngày cũng như đêm. Tình yêu giữa những người lính cao hơn tất cả. Và chính nhờ thế mà sức mạnh tinh thần trong họ càng được nhân lên gấp bội, để họ có đầy bản lĩnh và niềm tin yêu vượt mọi hiểm nguy, không một thứ bom đạn nào có thể khuất phục.

Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7/2023, mọi người cùng nhớ về những con số đau thương biết nói, dù sự thống kê có thể chưa đầy đủ: Cả nước có khoảng 8.000.000 lượt chiến sĩ nhiều binh chủng đặt chân trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Nhà báo – chiến sĩ Kim Toàn 2 lần vượt Trường Sơn – hành quân bộ từ Bắc vào Nam và ngược lại từ Nam ra Bắc. Cả nước có 1.146.250 liệt sĩ, hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, thi thể còn nằm lại trên đường Trường Sơn và các chiến trường; hơn 300.000 liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị; hơn 800.000 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh… Bình Thuận nằm trong tốp đầu có đông thương binh – liệt sĩ, gia đình chính sách; một trong những địa phương đi đầu thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.

“Hai lần vượt Trường Sơn” – một phần hình ảnh thu nhỏ cuộc “đối đầu” giữa chính nghĩa và phi nghĩa, người chống xâm lược và kẻ xâm lược!

ÚT MŨI NÉ


(1) Bình luận
Bài liên quan
Vị đảng viên lão thành - thương binh - thầy thuốc
Nơi gia trang yên tĩnh tọa lạc phía sau lưng phố chợ xã Vũ Hòa (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) là khu vườn trồng dược liệu của vị thương binh Đỗ Phúc Chiến, 72 tuổi.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai lần vượt Trường Sơn!