Theo dõi trên

Hải tặc trên vùng biển Bình Thuận thế kỷ XIX. Bài 1

16/12/2022, 05:33 - Lượt đọc: 2,142

Bài 1: Các vụ cướp biển thời Nguyễn

Hải tặc trong các tài liệu thời Nguyễn gọi chung là “giặc biển”, chúng chủ yếu đến từ các đảo ở Đông Nam Á là giặc Chà Và (Malaysia), Đồ Bà (Indonesia) và Trung Quốc là Thanh phỉ.

Về nguồn gốc, các toán cướp này hoặc là dân chài lưới ven biển và hải đảo kiêm thêm nghề ăn cướp; hoặc là quan lại, thương nhân hay thủy thủ lỡ vận nên chuyển nghề; hoặc là những tay giang hồ thảo khấu ở đất liền phạm tội bị truy nã; hoặc do nghèo đói nên ra biển đảo tụ tập thuyền bè, khai thác hải sản và cướp bóc thuyền buôn để sinh nhai(1).

untitled-1.jpg
Ghe Bầu Mũi Né cuối thế kỷ XIX đầu XX - Ảnh: J. B. Piétri (1943).

Tàu thuyền của hải tặc thường đi thành từng toán, được tổ chức và trang bị khá tốt. Chúng thường giả dạng thành các thuyền đánh cá của dân thường hoặc thuyền đi buôn hợp pháp khi có điều kiện thì ra tay cướp bóc, chém giết.

Ở vùng biển Bình Thuận, hải tặc hoạt động hầu như quanh năm. Mục tiêu chủ yếu là nhắm vào các thuyền buôn. Qua Đại Nam thực lục chúng tôi thống kê được các vụ cướp diễn ra trên vùng biển Bình Thuận như sau: Vụ thứ nhất xảy ra vào tháng 7 năm Minh Mạng thứ 11 (1830), “giặc biển Chà Và nổi trộm ở ngoài biển Phù My trấn Bình Thuận cướp bóc thuyền buôn rồi đi”. Vụ thứ hai, tháng 3 năm Minh Mạng thứ 18 (1837), “Đồn Tiến tỉnh Bình Thuận cũng có giặc biển trói thuyền buôn mà ăn cướp hàng hóa”. Rất may quan Thủ ngự là Trần Quang Nghĩa kịp thời đem quân và dân đuổi theo, bọn cướp bèn chạy. Vụ thứ ba diễn ra vào tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Vụ thứ tư vào tháng 4 năm Tự Đức thứ 7 (1854) xảy ra ở hải phận khe Kê Chủy và hải phận xứ Xích Kỷ cửa biển Phan Lý. Vụ thứ năm, tháng 12 năm Tự Đức thứ 9 (1856), “có 3 chiếc thuyền giặc biển đuổi theo thuyền buôn ở ngoài khơi thuộc vùng La Hãn và Vị Nê (Mũi Né)”. Vụ thứ sáu, tháng 5 năm Tự Đức thứ 12 (1859) “giặc biển (9 chiếc) cướp thuyền buôn ở phận biển Phan Thiết”. Vụ thứ bảy, tháng 10 năm Tự Đức thứ 22 (1869), “giặc biển tụ họp ở mỏm Thủy Vân (thuộc Biên Hòa) và cửa biển Ma Ly (thuộc Bình Thuận) cướp bóc thuyền buôn”(2).

Hải tặc còn tấn công cả thuyền công vụ của triều đình. Cụ thể vào tháng 4 năm Tự Đức thứ 7 (1854) cướp biển không chỉ giết người, cướp bóc thuyền buôn mà còn cướp thuyền đại dịch đang đi tuần ở hải phận khe Kê Chủy. Tháng 5 năm Tự Đức thứ 9 (1856) “giặc biển ăn cướp thuyền vận tải đường biển ở phần biển đồng Long Vĩnh”. Và vào tháng 4 năm Tự Đức thứ 10 (1857), “có 6 chiếc thuyền giặc biển đến cướp thuyền đại dịch ở phần đồn biển Vị Nê, binh thuyền tuần dương đuổi đánh lấy lại được thuyền đại dịch”. Nhưng số tiền, gạo, đồ vật trong thuyền ấy đều bị giặc cướp lấy hết(3).

Không những thế, cướp biển còn đổ bộ lên đảo Thuận Tĩnh (Phú Quý ngày nay) cướp của, giết người. Đại Nam thực lục cho biết, một hôm nọ vào tháng 8 năm Minh Mạng thứ 14 (Quý Tỵ - 1833) hơn 20 chiếc thuyền Đồ Bà đổ bộ lên đảo. “Dân sở tại đánh nhau với giặc, bị thương chết hơn 100 người. Tỉnh phái Phó lãnh binh là Phạm Văn Huyền và Phó quản cơ Thuận Tráng là Dương Văn Khoa, quản lĩnh thuyền quân đi dò bắt, đến đảo Mao Dữ (Hòn Tranh) đánh và đoạt được 1 chiếc thuyền của giặc, bắt được 3 tên, bắn giết rất nhiều”(4). Ở một số địa phương khác bọn hải tặc còn liều lĩnh đổ bộ vào đất liền cướp phá làng mạc, thị tứ ven biển, tấn công lỵ sở huyện, tỉnh để cướp giật tài sản và cướp bóc dân định đem làm nô lệ hoặc ép làm hải tặc, bắt phụ nữ và trẻ em để lạm dụng tình dục hoặc đem bán(5).

Ngoài các vụ cướp biển do Thanh phỉ, Đồ Bà và Chà Và gây ra, Đại Nam thực lục cũng ghi nhận một số vụ việc có liên quan đến tàu nước ngoài đang hoạt động trên vùng biển Bình Thuận. Cụ thể, tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), thuyền buôn nước Anh bị nạn, vua Minh Mạng sai trấn thần Bình Thuận cấp gạo tiền và theo dõi hành tung. Tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), thuyền của nước Mô Đồ hay còn gọi là Ô Lỗ (?) đi buôn bị bão làm đắm thuyền, 3 người trôi dạt vào đảo Thuận Tĩnh. Tháng 2 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), 2 chiếc tàu Tây Dương cập đảo Thuận Tĩnh để mua nước ngọt và lấy củi. Và vụ thuyền của vương quốc Lưu Cầu (Nhật Bản) bị bão dạt vào cửa La Hãn, vua Tự Đức đã phải lệnh cho tỉnh Bình Thuận cấp tiền gạo, áo quần, sửa chữa cột buồm và phái tàu thủy đưa giúp đến tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để tiện đường về nước vào tháng giêng năm Nhâm Thân (1872)(6).

Như vậy, trong thế kỷ thứ XIX có 10 vụ cướp diễn ra trên vùng biển Bình Thuận. Trong đó nhiều nhất là thời vua Tự Đức (6 vụ) vào các năm 1856 (3 vụ), 1859, 1869; thời vua Minh Mạng 3 vụ vào các năm 1830, 1833, 1837 và thời vua Thiệu Trị 1 vụ năm 1847. Mục tiêu của các toán cướp biển là thuyền buôn, thuyền công vụ của triều đình. Qua Đại Nam thực lục, chúng tôi không thấy trường hợp nào thuyền đánh cá của ngư dân Bình Thuận bị hải tặc tấn công như ở các địa phương khác.

Bình Thuận là địa phương có đường bờ biển dài, là tuyến đường giao thông quan trọng và có nguồn lợi to lớn nên sớm phải đối mặt với nạn cướp biển. Ở thế kỷ XIX, tuy số vụ cướp trên biển Bình Thuận không nhiều nhưng cũng tạo ra tâm lý bất an trong nhân dân, ảnh hưởng sự phát triển của nền kinh tế địa phương và đe dọa an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

(1), (5): Nguyễn Quang Trung Tiến. Hải tặc trên vùng biển Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 1(99) - 2013. (2): Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập: 3, 5, 6, 7. Nxb Giáo Dục (2007). Vì chưa có điều kiện tra cứu nên chúng tôi giữ nguyên tên gọi các địa phương như hồi thế kỷ XIX. (3): Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập: 7. Nxb Giáo Dục (2007). (4): Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập: 3. Nxb Giáo Dục (2007). (6): Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập: 2, 3, 6, 7. Nxb Giáo Dục (2007).

ĐỖ THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thêm một ấn phẩm mới về đảo Phú Quý
Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý vừa biên soạn và phát hành cuốn sách Các di tích Lịch sử - văn hóa, điểm du lịch ở Phú Quý. Sách do Sở Thông tin và Truyền thông Bình Thuận cấp giấy phép xuất bản (ảnh).
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hải tặc trên vùng biển Bình Thuận thế kỷ XIX. Bài 1