Theo dõi trên

Hải tặc trên vùng biển Bình Thuận thế kỷ XIX. Bài 2

23/12/2022, 05:44

Bài 2: Tuần tra, kiểm soát vùng biển

Theo vua Minh Mạng, hải tặc “tuy là lũ chuột vất vưởng ở đáy nồi, rồi cũng khó tránh khỏi lưới trời”, nhưng ở ngoài “cõi biển xa rộng, lũ ấy sớm thì đông tối thì tây, nhân thế mà thừa cơ lén nổi. Bọn giặc lớn ấy, không thể để chậm mà không giết, vì sợ lửa đom đóm sẽ bùng lên” (1). Do đó công tác tuần tra, kiểm soát vùng biển được triều đình hết sức quan tâm và xem đây là việc hệ trọng.

z3977038256048_dc65eed154032d210d9c58a71675f52c.jpg
Thuyền chiến thời Nguyễn – Tranh vẽ của Nguyễn Thứ (Họa sĩ cung đình thời Nguyễn) - Ảnh: Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vơi quan điểm “nước ta bờ biển dài suốt, việc tuần biển rất là quan trọng” (2). Tháng 5 năm Kỷ Sửu (1829), vua Minh Mạng hạ lệnh cho các địa phương từ Quảng Trị trở ra bắc và từ Quảng Nam trở vào “đều theo địa phận phái binh đi tuần bắt (3). Hàng năm bắt đầu từ tháng 2 (âm lịch), thuyền quân triều đình phối hợp với các địa phương phía Bắc để dò bắt Thanh phỉ. Từ tháng 5 mùa gió nam thì đi tuần bắt giặc biển Đồ Bà trên hải phận các tỉnh Phú Yên vào đến Bình Thuận, với cơ cấu như sau: 1 quản vệ thủy sư, 2 suất đội thủy bộ, 80 biền binh, 10 lính pháo thủ, cùng súng lớn, thuốc đạn, hỏa khí, chiến cụ và chia nhau đi trên 2 chiếc thuyền hiệu Bình Hải, Tĩnh Hải (4).

Tháng 4 năm Đinh Mùi (1847), khi nghe tin Bình Thuận và Khánh Hòa có hải tặc cướp thuyền buôn, vua Thiệu Trị bảo bộ Binh rằng: Nước ta giáp đường biên giới với nhà Thanh nên nhiều lần họ tràn sang cả đường bộ lẫn đường biển để cướp bóc. Trước đây nạn cướp biển xảy ra khắp các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi. Nay ở tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa cũng kêu trời không thấu với các toán hải tặc phương Bắc này. Về nguyên nhân, vua Thiệu Trị cho rằng, lực lượng giữ các cửa biển ở hai địa phương này làm việc không nghiêm, việc phối hợp đi tuần giữa thuyền Kinh phái đến và thuyền quân ở địa phương chỉ làm cho có lệ. Nay “tức thì truyền dụ cho các địa phương theo mặt biển, phàm các thuyền quân do Kinh phái đi và các tỉnh đi tuần ngoài biển, nếu gặp thuyền giặc thì tức khắc phải đánh dẹp ngay, để cho hết những giặc biển. Nếu không có công trạng gì, thì sẽ bị tra xét chức vụ và tên người, phân biệt nghiêm nghị để cho quân chính được nghiêm (5).

Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, từ năm 1804 đã xuất hiện các vụ cướp trên vùng biển từ Quảng Bình trở ra Bắc. Bên cạnh đẩy mạnh việc tiểu trừ hải tặc hoành hành ở phía Bắc (nhất là tỉnh Quảng Yên) thì công tác phòng bị, tuần tiễu ở các vùng biển phía Nam (trong đó có Bình Thuận) cũng được tăng cường từ sớm. Tuy nhiên, vào tháng 7 năm Canh Dần (1830) ở Bình Thuận đã để xảy ra một vụ cướp của hải tặc Chà Và ở vùng biển Phù My.

Sự việc tâu lên, vua Minh Mạng rất bất ngờ và không khỏi quở trách về sự thiếu trách nhiệm của quan chức địa phương rằng: “Bình Thuận lâu nay vẫn yên tĩnh. Gần nay đã nói có thuyền buôn người Thanh đi lại đến đậu, đã phái binh thuyền đi tuần bắt. Thế mà bổ biền (quan võ phụ trách tuần tiễu) Quản cơ thí sai cơ Thuận Nghĩa nhất là Dương Văn Đạc mượn cớ đóng quân một chỗ, trấn thần cũng không khéo điều độ để đến nỗi giặc lại thừa cơ đến cướp bóc. Việc bắt giặc như thế thực là bất lực. Trước hãy giáng chức Dương Văn Đạc 3 cấp, trấn thần là Nguyễn Văn Tài đều giáng 2 cấp, bắt phải tìm cách tìm bắt giặc” (6).

Tháng 4 năm Giáp Dần (1854), hải tặc nổi lên cướp bóc thuyền đại dịch và thuyền buôn của thương nhân trên vùng biển Kê Chủy và Xích Kỷ. Tỉnh thần Bình Thuận là Nguyễn Hanh bị vua Tự Đức kết tội là “không biết gì đến việc ấy”, nên bị giáng chức (7).

Khi phối hợp tuần tra biển, nếu quân địa phương “lấy cớ đã có quân ở Kinh (đô) phái đi, mà có ý đùn đẩy, một khi có giặc biển lén lút ở xứ nào, trước hết đem quan bắt giặc tỉnh phái đi, trị tội rất nặng” (8). Trường hợp Án sát Ngô Khắc Kiệm và Lãnh binh Đoàn Linh dưới đây là một ví dụ.

Tháng 5 năm Bính Thìn (1854), Bình Thuận lại có hải tặc nổi lên cướp thuyền buôn ở Long Vĩnh. Trong khi tiễu trừ, Vệ úy Nguyễn Ngoạn tử trận nên được triều đình chuẩn theo phẩm hàm cấp tiền tử tuất, còn Ngô Khắc Kiệm, Đoàn Linh và viên Tấn thủ đều bị giáng cấp có thứ bậc khác nhau (9).

Còn sự kiện hải tặc tấn công thuyền đại dịch tại hải phận Vị Nê (Mũi Né) năm Đinh Tỵ (1857) tuy binh thuyền tuần dương đuổi đánh lấy lại được, nhưng số gạo tiền, đồ vật bị cướp hết. Kết quả bộ biền phụ trách đều bị giáng 2 cấp, quan tỉnh bị phạt lương 1 năm (10).

Đối với những trường hợp bắt được cướp biển thì các vua triều Nguyễn tán dương, khen thưởng rất hậu. Chẳng hạn, trong vụ hải tặc nổi lên ở đồn Tiến (tháng 3 năm Đinh Dậu 1837), quan Thủ ngự cửa biển là Trần Quang Nghĩa kịp thời đem quân dân đuổi theo, bọn cướp bèn chạy. Vua Minh Mạng nghe biết việc ấy, bèn dụ rằng: “Đấy tuy không bắt được giặc, nhưng cứu được thuyền buôn, cũng còn hơn để cho chúng ăn cướp no chán rồi lại chạy xa”. Bèn thưởng Quang Nghĩa gia 1 cấp, quân dân 50 quan tiền (11).

Hay như sự kiện 9 chiếc tàu của hải tặc cướp thuyền buôn ở vùng biển Phan Thiết (tháng 5 năm Kỷ Mùi - 1859), khi hay tin viên quan phủ Hàm Thuận là Nguyễn Công Quyền lập tức bắt 3 chiếc thuyền người nước Thanh (1 chiếc thuyền công đi tuần, 2 chiếc thuyền đánh cá, bị gió dạt vào) hợp cùng thuyền quân ở đồn, đuổi theo bắn thuyền của giặc, cứu được thuyền buôn. Tỉnh thần đem việc tâu lên. Vua thưởng Công Quyền kỷ lục 1 thứ, cấp tiền cho thuyền nước Thanh và người bị chết, bị thương đều có thứ bậc khác nhau (cấp cho Lương Kỳ Sơn là thuyền đi tuần 50 quan, Tân Vạn Hợp, Tân Tựu Hợp là thuyền đánh cá mỗi thuyền đều 30 quan, 1 người chết 10 quan, 2 người bị thương mỗi tên đều 5 quan) (12).

Tháng 8 năm Quý Tỵ (1833), 20 chiếc thuyền Đồ Bà đổ bộ lên đảo Thuận Tĩnh (Phú Quý), Phó lãnh binh là Phạm Văn Huyền bắt và giết được nhiều cướp biển. Việc đến tai, vua Minh Mạng thưởng 5 đồng ngân tiền Phi long hạng lớn; quân dân 300 quan tiền. Người bị thương, chết được cấp tiền có thứ bậc (13).

Quan chức trước bị hạch tội, khi có công trong phòng chống hải tặc cũng được triều đình phục chức và thưởng lớn; trường hợp của Phó quản cơ ở cơ Thuận Tráng (tỉnh Bình Thuận) là một ví dụ.

Tháng 8 năm Quý Tỵ (1833), thuyền của Phó quản cơ ở cơ Thuận Tráng (tỉnh Bình Thuận) là Dương Văn Khoa đi tuần phát hiện hải phỉ Đồ Bà nên ra sức đuổi đánh đến tận hải phận Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đánh phá được thuyền giặc, bắt được hàng chục tên phỉ, cứu được dân nạn. Việc ấy tâu lên, nhà vua rất khen. Khoa trước bị giáng cấp liền được khai phục, lại thưởng cho 5 đồng ngân tiền Phi long hạng lớn, các biền binh được thưởng tiền 300 quan (14).

Cùng với những biện pháp nêu trên thì việc trang bị khí giới cho dân địa phương cũng được triều Nguyễn chú trọng. Tháng 3 năm Giáp Ngọ (1834), vua Minh Mạng có dụ: Các hòn đảo có nhiều dân ở, trước giờ chưa cấp phát thuyền và khí giới. Một khi có cướp biển thì lấy gì đề phòng đánh đuổi. “Nay phải truyền dụ cho tổng đốc, tuần phủ, bố chính và án sát các tỉnh ven biển, xét xem những hòn đảo nào có dân ở thuộc về hạt mình, thì sức sai sửa sang chỉnh đốn những thuyền đánh cá đi thực mau lẹ, số dân nhiều thì 3 chiếc, ít thì 2 chiếc, mỗi thuyền chứa được độ trên dưới vài chục người, phí tổn bao nhiêu, Nhà nước sẽ trả. Rồi liệu cấp phát cho trường thương, súng điểu sang và thuốc đạn, khiến họ đi tuần tiễu” (15).

Thời Nguyễn thuyền đi buôn vì sợ phạm lệnh cấm nên không dám trang bị binh khí, khi bị giặc cướp không gì để ứng phó. Do đó bộ Binh tâu với vua Minh Mạng và được nhà vua chấp nhận “cấp cho khí giới để tự vệ”. Theo đó, những dao nhọn bằng sắt, câu liêm bằng sắt, đá hòn, trùy gỗ, đều không bị cấm, cho phép được chế riêng để tự vệ. Riêng giáo dài khi đi thì được cấp (thuyền lớn 10 cây, thuyền vừa và nhỏ 5-6 cây), khi về phải đều nộp trả ở chỗ quan tỉnh sở tại (16).

(1) (3). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập 2. Nxb Giáo dục (2007).

(2) (4) (8) (11). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập 5. Nxb Giáo Dục (2007).

(5). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập 6. Nxb Giáo Dục (2007).

(6) (13) (14). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập 3. Nxb Giáo Dục (2007).

(7) (9) (10) (12). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập 7. Nxb Giáo Dục (2007).

(15) (16). Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục (bản dịch Viện Sử học), tập 4. Nxb Giáo Dục (2007).

ĐỖ THÀNH DANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hải tặc trên vùng biển Bình Thuận thế kỷ XIX. Bài 1
Bài 1: Các vụ cướp biển thời Nguyễn
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hải tặc trên vùng biển Bình Thuận thế kỷ XIX. Bài 2