Theo dõi trên

Hai tiếng đồng bào

27/09/2024, 05:30

Một từ quá quen thuộc, luôn được sử dụng, nó rất tình cảm, gần gũi, nhưng cũng vô cùng thiêng liêng khi xuất hiện trong từng ngữ cảnh, như lời kêu gọi gắn liền với vận mệnh quốc gia dân tộc – mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945 với cụm từ: “Hỡi đồng bào cả nước”… công bố nền độc lập dân tộc và sự ra đời của một Nhà nước mới.

Rồi vào đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1946, trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch cũng mở đầu: “Hỡi đồng bào toàn quốc!”(*) khi Tổ quốc lâm nguy.

ung-ho.jpg
Bình Thuận ủng hộ đồng bào miền Bắc thiệt hại do bão lũ. Ảnh: Đ.Hòa

Chữ đồng bào phát ra những thời điểm như thế nó chạm đến sâu thẳm trong từng trái tim của mỗi con người Việt Nam trên khắp cõi bờ đất nước, ai cũng cảm thấy có mình trong từ ngữ đó và mình đang đứng trước vận nước cực kỳ hệ trọng. Nó đã từng đi vào cảm xúc của các thi nhân, trong những ca từ âm nhạc: “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!”… Thế nhưng hai tiếng đồng bào cũng được nhiều người bình luận về nhiều góc độ khác nhau.

Đồng bào (同胞) là từ Hán Việt – nói thế có lạ gì đâu, bởi ngôn ngữ tiếng ta tiếp nhận hơn 70% từ Hán Việt. Chiếc tự ra, nghĩa từ đồng       (同) là cùng nhau, chung nhau, còn từ bào (胞) nghĩa là cái bọc, cái bao, ở đây chỉ cái bào thai. Đồng bào là cùng chung một bọc, cùng một bào thai. Hình ảnh cùng một bào thai gợi nhớ về truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân yêu nhau rồi trở thành vợ chồng, mẹ Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng nở trăm người con. Sau đó chia nhau 50 con theo cha thuộc giống Rồng về biển, 50 con theo mẹ thuộc giống Tiên lên rừng núi sinh sống, nhưng có lời nguyện ước, nếu bên nào gặp khó khăn nguy hiểm thì thông báo để hiệp lực giúp đỡ, bảo vệ cho nhau. Lời nguyện ấy đã theo suốt quá trình phát triển lớn lên của lịch sử giống nòi. Nên chữ đồng bào ở đây được hiểu là chỉ anh em ruột thịt cùng cha cùng mẹ, theo nghĩa đó thì duy nhất cộng đồng người Việt với truyền thuyết con Rồng cháu Tiên có cùng huyết thống, cùng một ông tổ sinh ra, mới dùng chữ đồng bào chỉ cộng đồng dân cư trong cùng một nước. Tự điển quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của cũng giải thích: “Đồng bào: anh em ruột” (tr.323). Ca dao cũng có câu: “Anh em cốt nhục đồng bào/ Vợ chồng là nghĩa lẽ nào chẳng thương”. Còn những người Việt ở nước ngoài gọi kiều bào (侨胞) – kiều (侨) có nghĩa ở nhờ, đi ở nơi khác, xa Tổ quốc mình, nhưng họ vẫn là người cùng huyết thống nằm trong hai chữ đồng bào kia, nên gọi kiều bào. Tương phản với chữ đồng bào gọi là dị tộc (異族), là không cùng chung huyết thống.

Thế nhưng, hiện nay, trong văn nói cũng như văn viết của người Việt Nam, hai chữ đồng bào được hiểu theo nghĩa phái sinh một cách rộng rãi hơn, nhằm chỉ hầu hết các đối tượng, chỉ mọi công dân sống trên Tổ quốc Việt Nam, và tùy theo hoàn cảnh, từ dùng thay thế hai chữ đồng bào là nhân dân. Những người Việt sống ở nước ngoài từ gọi thông dụng hiện nay là Việt kiều (越侨).

Hiểu theo cách ấy thì lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Hỡi đồng bào toàn quốc!” là kêu gọi tất cả mọi người gồm 53 dân tộc anh em sống trên lãnh thổ Việt Nam. Khái niệm đồng bào mang nội hàm toàn dân như vậy phù hợp khi có những sự kiện xảy ra ảnh hưởng đến vận mệnh của Tổ quốc, những hiểm nguy mà nhân dân gặp phải. Như trên đã nói, những lúc như vậy hai tiếng đồng bào trở nên thiêng liêng và cũng vô cùng tình cảm. Điều đó nhận thấy rất rõ trong sự kiện vừa qua, khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ vào miền Bắc nước ta, nhìn thấy cảnh tàn phá thiệt hại thảm khốc gây đau thương cực độ với người dân, thì tình nghĩa đồng bào của người Việt Nam – đó là thứ tình cảm thiêng liêng huyền diệu ẩn sâu trong tim trỗi dậy. Hình ảnh những chiến sĩ bộ đội, công an không quản gian nguy ngày đêm thức trắng cứu người, giữ của cho dân cũng từ tình nghĩa đồng bào mà ra. Đồng bào miền Nam, miền Trung, từ những em bé đến các cụ già đều hướng về nỗi đau của đồng bào miền Bắc. Không chỉ riêng tôi mà mọi người – kể cả Việt kiều, vô cùng xúc động và hết sức ấm lòng khi thấy hàng trăm chuyến xe chở hàng nối nhau chạy về miền Bắc cứu trợ trong những ngày qua và còn đang tiếp tục. Những lúc thế này mới thấm hai chữ đồng bào, như nghĩa tình trong câu “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.

Không biết có khi nào hai tiếng đồng bào xuất hiện nhiều từ những phát biểu, kêu gọi của lãnh đạo Trung ương đến các địa phương, trên các phương tiện truyền thông phát thanh truyền hình, báo chí có ý nghĩa tình cảm chân tình sâu nặng như lúc này. Và tôi nghe trong đó tưởng chừng như âm vang huyền bí về nét đẹp nhân tình cội nguồn dân tộc ấm áp bay lên.

(*): Theo Nguyễn Thanh, trong tác phẩm của Bác Hồ, có trên 2000 lần xuất hiện chữ “đồng bào” – http://vannghequandoi.com.vn), có ngữ cảnh, hai chữ đồng bào rất thiêng liêng, có khi gần gũi thân tình, như trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng” (17/9/1945), hay Gửi đồng bào Nam bộ (26/9/1945), Gửi đồng bào ngoại thành Hà Nội (15/12/1945)…

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan

Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Bình Thuận ủng hộ hơn 1 tỷ đồng cho các tỉnh miền Bắc
BTO-Chiều 25/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận số tiền hơn 1 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Bình Thuận ủng hộ các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai tiếng đồng bào