Theo dõi trên

Hàm Tân với phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi

05/08/2022, 14:28

Những năm qua, phong trào “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” đã được Hội Nông dân các cấp trong huyện chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, hình thành những nông dân thế hệ mới dám nghĩ, dám làm và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

z3620022162809_6b41209f80d5af831525d68610a40fc4.jpg

Hội Nông dân huyện hiện có 10 cơ sở Hội, trong đó có 56 chi Hội và 292 tổ Hội với tổng số hội viên là 11.972. Theo thống kê của Hội Nông dân huyện Hàm Tân, qua 5 năm triển khai, có 31.122 lượt hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp. Hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh hội giao. Và đến thời điểm này, toàn huyện đã có 3.704 hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp lần thứ X, giai đoạn 2017 - 2022, chiếm 31% so với hộ có hội viên nông dân toàn huyện. Trong đó, có 13 hộ cấp Trung ương, 123 hộ đạt cấp tỉnh, 433 hộ đạt cấp huyện, 3.135 hộ đạt cấp xã. Tăng 392 hộ so với giai đoạn 2014 - 2017.

z3620022161330_f3cdaa355cee6da5397dcd951ef0706a.jpg

Có thể nói, bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các chính sách để thúc đẩy phát triển của Hội Nông dân huyện, thì chính tinh thần cầu tiến, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của những nông dân giỏi đã góp phần quan trọng làm cho ngành nông nghiệp huyện tăng trưởng ổn định. Họ là những tấm gương tiêu biểu đi đầu trong các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn có trách nhiệm với xã hội, giúp đỡ cộng đồng, hội viên nông dân cùng làm giàu.

Xác định nhiệm vụ hỗ trợ nông dân là một trong những giải pháp đẩy mạnh phong trào, đem lại động lực chính đáng cho hội viên, nông dân vươn lên; Hội Nông dân huyện đã mở 322 lớp dạy nghề như: thú y, chăn nuôi, may công nghiệp, xây dựng dân dụng, tin học ứng dụng, thuyền trưởng hạng 5, trồng và chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, nấu ăn dinh dưỡng, trồng rau an toàn… với gần 5.000 học viên tham gia; phối hợp tổ chức được trên 310 lớp tập huấn, hội thảo với trên 23.800 hội viên, nông dân tham dự; phối hợp triển khai hỗ trợ 21 mô hình về: thâm canh cây mì và nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, trồng xoài Úc, trồng giống bí đỏ Plato, nuôi vịt siêu trứng, cây điều ghép, trồng khổ qua an toàn, tưới nước nhỏ giọt cho cây điều, nuôi lươn trong bể xi măng, trồng bưởi da xanh, nuôi cá thát lát… Qua công tác phối hợp đã tạo thuận lợi cho nông dân nắm bắt được khoa học kỹ thuật, cây, con giống mới, cách sử dụng thuốc BVTV, phòng trừ sâu bệnh ở cây trồng vật nuôi, từ đó từng bước nhân rộng mô hình.

Bên cạnh đó, nông dân cũng đã tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống góp phần đa dạng hóa sản xuất, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Qua phong trào đã tạo việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động. Các cấp Hội đã quản lý nguồn vốn trên trên 490 tỷ đồng tạo điều kiện cho trên 8.400 lượt hộ nông dân vay phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện qua từng năm.

Qua 5 năm thực hiện phong trào, những hộ nông dân SXKD giỏi đã phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, trực tiếp giúp đỡ nhiều hộ vươn lên thoát nghèo; đặc biệt là tạo thêm việc làm cho 7.213 lượt lao động. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp đỡ hơn 2.251 lượt hội viên nông dân, số tiền 1,2 tỷ đồng và hơn 1.240 ngày công lao động và giúp 219 hộ thoát nghèo. Với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, nông dân đã đóng góp gần 31 tỷ đồng, với 9.812 ngày công lao động, làm mới và sửa chữa 98,7 km giao thông, kiên cố hóa kênh gần 6 km kênh mương nội đồng, cải tạo kiên cố hóa 7 chiếc cầu cống; vận động nông dân hiến hơn 39.980 m2 đất để làm đường giao thông thôn, xóm. Có gần 99% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; trên 99% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trường học, trạm y tế, chợ nông thôn được xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng… phục vụ nhu cầu đi lại, học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt cho nhân dân. Mô hình “Ánh sáng an ninh”, “Tuyến đường xanh, sạch, đẹp” được nhân rộng trên toàn huyện. Đến nay, toàn huyện đã có 7/8 xã về đích nông thôn mới.

Những kết quả đó đã khẳng định phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Hàm Tân tiếp tục phát triển cả chiều rộng, chiều sâu, có sức lan tỏa trong toàn huyện. Có thể nói 5 năm qua phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm trong cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

THẢO PHONG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Người nông dân với khát vọng làm giàu chính đáng
Vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Đó là anh Trương Hoài Phong - thôn Ba Đăng, xã Tân Hải, thị xã La Gi.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Tân với phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi