Chị Lê Thị Thu Nga – thôn Thắng Hiệp xã Hàm Thắng chia sẻ: Trước đây, rác sinh hoạt của gia đình thải ra hàng ngày, chị em cứ dồn chung vào một bao, với đủ loại: túi ni-lon, giấy vụn, vỏ chai mủ, chai cẩn và vỏ lon các loại… để xe của Ban Quản lý công trình công cộng huyện thu gom. Nhưng nay, rác thải được phân loại và để riêng theo từng bao nhằm tận dụng các loại rác thải có thể tái chế sử dụng đem bán phế liệu, hay đổi lấy cây xanh về trồng. Đối với những xóm dân cư ở xa tuyến đường chính, chưa có xe thu gom rác thải sinh hoạt thì lượng rác thải ra, mỗi gia đình tự xử lý với hình thức chôn lấp, hoặc đem vứt ở một nơi nào đó nhưng hôm nay đã khác, họ đã biết phân loại, xử lý rác đúng cách, bà Lê Thị Tùng – hội viên phụ nữ xóm Hỏa Lò, thôn Thắng Hòa, xã Hàm Thắng chia sẻ.
Sự thay đổi hành vi về xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày của hội viên phụ nữ xã Hàm Thắng nói riêng, người dân huyện Hàm Thuận Bắc nói chung, xuất phát từ các phong trào, mô hình chung tay bảo vệ môi trường do Hội LHPN các cấp trong huyện tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người dân Hàm Thuận Bắc không vứt rác thải bừa bãi" theo Chỉ thị 02 của Huyện ủy phát động.
Bà Trần Thị Thu Nhi – Chủ tịch Hội LHPN huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Trong 2 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong huyện đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Cuộc vận động đến 28.450 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ; xây dựng 17 mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại nhà”, 8 Tổ phụ nữ “Nói không với túi ni-lon và tặng giỏ xách đi chợ”; 5 Tổ “Thu gom rác thải”; 5 mô hình “Tuyên truyền sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; xây dựng 166 lò đốt rác, 6 hố rác tự hủy... có trên 800 hội viên phụ nữ tham gia các mô hình trên. Đặc biệt, mô hình “đổi rác thải nhựa lấy cây xanh”, các cấp hội đã đổi 3.800 cây xanh cho hội viên phụ nữ với tinh thần “Mỗi phụ nữ - một cây xanh” trồng tại nhà. Từ đó, trên các đường làng, ngõ xóm ngày càng xuất hiện nhiều hàng cây xanh, tuyến đường hoa đủ sắc màu. Hàng ngày, hàng tuần các chi, tổ hội phụ nữ duy trì phong trào phụ nữ tham gia trồng, chăm sóc cho hoa luôn khoe sắc, và chính việc làm này đã góp phần đẩy lùi hành vi vứt rác thải bừa bãi.
Được biết, tháng 3/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Hàm Thuận Bắc ban hành Chỉ thị số 02 về phát động Cuộc vận động “Người dân Hàm Thuận Bắc không xả rác thải bừa bãi” thay thế Chỉ thị 26/2014 về “Tăng cường công tác quản lý và thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện” nhằm để khắc phục những hạn chế, bất cập qua 6 năm thực hiện Chỉ thị 26. Hai năm qua, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định vấn đề rác thải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bức xúc của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết. Cả hệ thống chính trị huyện cùng vào cuộc, phổ biến, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân thực hiện tốt nội dung này.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Qua thực hiện Cuộc vận động “Người dân Hàm Thuận Bắc không xả rác thải bừa bãi”, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về Cuộc vận động được quan tâm thực hiện thông qua nhiều hình thức. Chính quyền các cấp tập trung triển khai thực hiện; nhất là quan tâm chỉ đạo đưa vấn đề về rác thải vào nội dung tiêu chí cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Quy ước, hương ước ở thôn, khu phố; công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm được tăng cường hơn. Cuộc vận động đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình của người dân; ngày càng xuất hiện nhiều mô hình thu gom, xử lý rác thải có hiệu quả ở các địa bàn dân cư, năng lực thu gom, xử lý rác thải của Ban Quản lý Công trình công cộng huyện cũng được nâng lên.
Đến nay, Ban đã tổ chức thu gom rác thải cho 11/17 xã, thị trấn, với 12.687 hộ/38.865 hộ, đạt 32,26%, tăng 1.358 hộ so với 2 năm trước. Thời gian đến, Ban Quản lý Công trình công cộng huyện được bổ sung thêm 2 xe lấy rác, năng lực thu gom rác thải trong nhân dân sẽ tiếp tục được nâng cao. Đồng thời, UBND huyện xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi cơ chế quản lý từ Ban Quản lý Công trình công cộng huyện thành Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát, quy hoạch các điểm tập kết thu gom rác thải tại địa phương. Tăng cường kêu gọi, xã hội hóa nhằm huy động các tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải trên địa bàn huyện.