Toàn huyện Hàm Thuận Bắc có đàn lợn khoảng 51.800 con, trong đó hộ chăn nuôi 2.402 hộ/24.500 con lợn, số còn lại là ở các trang trại. Lợn nuôi tập trung tại các xã Hồng Liêm, Thuận Hòa, Hàm Đức, Hàm Liêm, Hồng Sơn. Tuy chưa phát hiện dịch bệnh, nhưng Hàm Thuận Bắc là địa phương tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch tả lợn châu Phi do có các tuyến đường quốc lộ 1A, 28, 55 đi qua và giáp ranh với huyện trong tỉnh đang xảy ra dịch.
Thời gian qua để chủ động bảo vệ đàn vật nuôi, sinh kế của người dân, huyện Hàm Thuận Bắc đã lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại km 35, quốc lộ 28, xã Thuận Hòa giáp ranh với huyện Di Linh (Lâm Đồng) và chốt kiểm dịch quốc lộ 55 xã Đa Mi, giáp ranh xã Lộc Nam, huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng). Các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của ngành thú y. Trong đó, chú ý hướng dẫn người chăn nuôi phải hiểu đúng về dịch tả lợn châu Phi để bình tĩnh ứng phó kịp thời. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả là áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không cho lợn ăn thức ăn thừa chưa qua nấu chín; không tự do ra vào chuồng, trại; không nhập lợn vào trại khi chưa nuôi cách ly; không mang thức ăn từ ngoài vào trại; không đi từ nơi bẩn đến nơi sạch trong chuồng trại để tránh lay chéo.
UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo từng xã, thị trấn phải tăng cường rà soát các khu vực chăn nuôi lợn, các hộ chăn nuôi lợn trên từng địa bàn thôn, khu phố, nhất là những khu vực có nguy cơ phát sinh dịch tả lợn châu Phi để thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tăng cường năng lực hệ thống thú y đảm bảo thực thi nhiệm vụ và chủ động tham mưu cho chính quyền cơ sở cũng như chủ động tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý lợn bệnh. Làm tốt phương án khi xảy ra dịch các khâu từ giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, tổ chức tiêu hủy ngay số lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, hoạt động giết mổ lợn. Cắt đứt mắt xích lây lan bệnh như tuyệt đối không vứt xác lợn bệnh xuống sông suối, mương rạch, giết mổ lợn bệnh… các hoạt động này sẽ tạo ra nguồn lây rất lớn.
Tại tỉnh ta, dịch tả lợn đã xuất hiện 4 địa phương Đức Linh, Tánh Linh, La Gi, Hàm Thuận Bắc với tổng số lợn tiêu hủy trên 1.100 con. Đáng lưu ý, dịch lây lan nhanh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở các vùng dịch. Vì vậy, phòng dịch là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sinh kế người chăn nuôi trên địa bàn. Cùng với đó các xã, thị trấn toàn huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi nhằm bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng ổn định trong thời gian tới.
T.Duyên