Phát huy thế mạnh nông nghiệp
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Hàm Thuận Bắc, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của huyện trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giá cả nông sản bấp bênh, giá cả một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất tăng cao. Song với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của huyện vẫn giữ được ổn định, có mặt chuyển biến tiến bộ, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn năm trước, có 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch.
Nổi rõ là toàn huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, với tổng sản lượng lương thực khoảng 182.552 tấn, tăng trên 10.000 tấn so năm trước (182.552/172.307 tấn), đạt 110,6% KH (182.552/165.000 tấn) và đạt 101,4% chỉ tiêu tỉnh giao (182.552/180.000 tấn). Các mô hình khuyến nông, hỗ trợ giống lúa mới, các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được triển khai và đạt được một số kết quả. Tiếp tục củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, thành lập mới thêm 2 HTX (HTX rau sạch Tầm Hưng tại thị trấn Ma Lâm và HTX Nông Trang trại Xanh tại xã Đông Giang), nhờ đó nâng tổng số HTX trên lĩnh vực nông nghiệp toàn huyện lên 35 HTX. Tình hình chăn nuôi của huyện tiếp tục phát triển ổn định; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, động vật nuôi được triển khai thường xuyên, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt.
Về xây dựng nông thôn mới, ước đến cuối năm giải ngân đạt 100% vốn được giao năm 2022, 2023 và đạt 95% vốn năm 2024. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí đối với các xã đăng ký đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đã xác định. Đến cuối năm, xã Đa Mi đạt 19/19 tiêu chí và xã Thuận Hòa đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới; xã Hàm Liêm cơ bản đạt 18/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Huyện đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ IV năm 2024. Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Tính đến cuối năm đã giải ngân đạt 100% vốn được giao trong năm 2022, 2023 và đạt 95% vốn được giao năm 2024. Các chế độ, chính sách đối với đồng bào DTTS được triển khai kịp thời.
Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả, trong năm ước huy động vốn toàn xã hội được 8.160 tỷ đồng, đạt 100,2% KH đề ra (8.000 tỷ đồng). Giá trị khối lượng xây dựng cơ bản trong năm 2024 thực hiện được 812,247 tỷ đồng, đạt 180,96% kế hoạch vốn (448,85 tỷ đồng) và đạt 101,53% KH năm (800 tỷ đồng). Công tác thu ngân sách nhà nước được triển khai tích cực, tính đến cuối năm đạt 415 tỷ đồng, vượt 11,56% dự toán (372 tỷ đồng). Các chỉ số về cải cách hành chính đã được cải thiện đáng kể so với năm 2023, dự kiến được tỉnh xếp loại tốt trong năm 2024… Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền tiếp tục được đẩy mạnh, có mặt tiến bộ hơn, phục vụ tốt các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2024…
Tăng tốc để về đích
Huyện Hàm Thuận Bắc xác định nhiệm vụ tổng thể trong năm mới 2025 là tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua nước rút chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Hàm Thuận (8/4/1975 - 8/4/2025) và các ngày lễ lớn; Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021- 2025). Triển khai sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội. Trong đó phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu như: Sản lượng lương thực 180.000 tấn, thu ngân sách nhà nước đạt 393 tỷ đồng, giá trị đầu tư xây dựng cơ bản đạt 800 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt chỉ tiêu tỉnh giao, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động...
Để đạt được mục tiêu đề ra, toàn huyện xác định tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị tăng cao giai đoạn 2021-2025. Đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất hàng hóa lớn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đã đăng ký ở các Cụm công nghiệp đã xác định, đôn đốc sớm đưa Cụm công nghiệp Hàm Đức đi vào hoạt động. Tập trung công tác quản lý thu ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm; thực hiện tốt Luật Quản lý thuế, chống thất thu và các khoản nợ đọng thuế, nhất là nợ nghĩa vụ tài chính, quản lý, khai thác tốt các nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện. Tổ chức rà soát, triển khai sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, nổi cộm, bức xúc; tăng cường đối thoại với nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh, cũng như phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch giao quân năm 2025, đảm bảo chất lượng...
Với trọng tâm là kinh tế nông nghiệp, huyện đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt, phát triển sản xuất với quy mô lớn. Bên cạnh đó, việc bảo quản, chế biến và tiêu thụ được nâng tầm theo chuỗi giá trị. Ngoài việc trồng các loại cây chủ lực huyện còn mở rộng phát triển các giống mới, ứng dụng công nghệ cao và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, thương hiệu thanh long và các loại cây ăn trái khác của huyện được nhiều người biết đến bởi chất lượng hoàn hảo.