Theo dõi trên

Hàm Thuận Nam: Những tấm gương điển hình trên hành trình thoát nghèo

09/10/2024, 09:23

Từng là hộ nghèo, cận nghèo có cuộc sống vô cùng khó khăn, thế nhưng nhờ được “tiếp sức” từ các nguồn vốn, hướng dẫn kỹ thuật, cộng với sự chịu thương chịu khó, cần cù trong lao động, nhiều hội viên, phụ nữ ở thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam) đã vượt ra khỏi hộ nghèo, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ.

Thoát nghèo nhờ được hướng dẫn làm ăn

Trở lại gia đình chị Nguyễn Thị Chiến (khu phố Lập Bình, thị trấn Thuận Nam) sau gần 1 năm, nhưng thấy đời sống của gia đình chị đã thay đổi rõ rệt. Nỗi lo toan và sự khắc khổ trên khuôn mặt người phụ nữ ngoài 30 ấy đã vơi bớt, khi gia đình không còn nằm trong diện hộ nghèo, vừa mới trả xong vốn vay ngân hàng 50 triệu đồng và tiếp tục được xét vay lại.

phu-lap.jpg
Chị Nguyễn Thị Chiến thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò

Là hộ gia đình trẻ ở địa phương, nhưng không có đất sản xuất, chồng bệnh tật nên mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc nguồn tiền ít ỏi từ làm thuê, làm mướn của chị. Đói nghèo thường kéo theo những bất hòa, mâu thuẫn trong mái ấm gia đình. Nhận thấy đây là trường hợp cần hỗ trợ, Chi hội phụ nữ thôn Lập Bình đã đề xuất cho hộ chị Chiến được vay vốn. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn chị cách chăn nuôi bò, làm chuồng trại, vệ sinh khu vực chăn nuôi… để sử dụng đồng vốn hiệu quả. Nhờ biết nuôi gối đầu, khi bò có giá, chị bán ra rồi tiếp tục mua con khác, nên có lãi cao.

“Cuộc sống vẫn còn vất vả, nhưng so với trước đây thì đã khá hơn rất nhiều. Hy vọng thời gian tới, giá cả chăn nuôi bò ổn định hơn nữa giúp nông dân yên tâm phát triển. Tôi cũng mong các chương trình giảm nghèo tiếp tục hỗ trợ, không chỉ giúp gia đình tôi mà nhiều hộ dân tại địa phương có cơ hội vươn lên làm giàu”, chị Chiến bộc bạch.

img_6973.jpg
Cửa hàng tạp hóa tại nhà của của chị Thủy đã giúp chị thoát nghèo

Sử dụng đồng vốn hiệu quả

Là một trong những phụ nữ đang sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả và thoát nghèo 2 năm nay, chị Vũ Thị Thủy (khu phố Lập Bình) chia sẻ: “Nếu không có đồng vốn cho hộ nghèo vay 4 năm trước, giờ này có lẽ tôi vẫn còn chạy chợ, cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau”.

img_6947.jpg
Chị Hà Thị Tâm luôn nhận được sự động viên của Chi hội phụ nữ khu phố

Chị Thủy thuộc trường hợp hộ phụ nữ đơn thân, nuôi con, nuôi mẹ già. Bao nhiêu chi phí gia đình đều dồn vào gánh hàng tạp hóa nhỏ ở chợ. Chẳng ai muốn gắn cái mác hộ nghèo mãi, nhất là khi con cái dần trưởng thành. Nhiều đêm trăn trở, nhưng nhìn lại đất đai không có, rồi nhiều trường hợp cũng vì quá khó khăn, túng thiếu vay nóng bên ngoài mà lâm vào cảnh nợ nần, phải bán nhà. Thế nên chị chỉ dám cần mẫn nhặt nhạnh từng đồng ở chợ, bớt lại trong chi tiêu. Cho đến khi được Hội Phụ nữ thị trấn xét hỗ trợ làm các thủ tục vay 70 triệu đồng sửa sang lại khu đất trống quanh nhà và mở quầy tạp hóa với đa dạng món hàng, kinh tế mới ổn định. Chị đã trả sổ hộ nghèo mấy năm nay.

img_6929.jpg
Nguồn vốn vay được gia đình chị Tâm sử dụng đúng mục đích

Còn với trường hợp của chị Hà Thị Tâm và anh Ngô Minh Huân (khu phố Nam Tân), dù vẫn ở diện hộ có mức sống trung bình, nhưng không hề có tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ. Anh chị đang từng ngày cố gắng lao động nuôi con và có trách nhiệm trả nợ các nguồn vốn vay.

“Một đồng với người khó đã rất quý, đằng này gia đình tôi được tạo điều kiện vay một số tiền lớn mấy chục triệu đồng. Số tiền đó tôi chia ra mướn thêm 5 sào thanh long chăm sóc, còn lại dành mua phân thuốc. Từ tiền tích cóp sau mỗi vụ và tranh thủ làm thuê, cuối năm 2022 vợ chồng đã sửa, lát lại nền căn nhà đang ở. Nhà tuy nhỏ, rộng chừng 40 m2 nhưng giờ không còn lo chạy nắng, chạy mưa”, chị Hà Thị Tâm nói.

img_6982.jpg
Sự hỗ trợ thiết thực giúp người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong số những hộ phụ nữ thoát nghèo, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thì còn có sự nỗ lực không nhỏ của từng cá nhân. Họ không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà mạnh dạn dám nghĩ, dám làm để đổi thay cuộc sống, không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội. Hiện thị trấn Thuận Nam còn 36 hộ nghèo trong đó có 19 hộ phụ nữ làm chủ hộ; 106 hộ cận nghèo, trong đó 49 hộ phụ nữ chủ hộ; 24 hộ phụ nữ có mức sống trung bình.

Chị Lê Thị Đức Thành – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Thuận Nam cho biết: Trong quá trình rà soát, Hội nhận thấy thiếu vốn, tư liệu sản xuất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo. Vì thế từ các nguồn giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường… mà Hội nhận ủy thác đã tạo điều kiện cho hàng trăm chị được tiếp cận. Cùng với đó, Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động chị em tích cực lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng các mô hình kinh tế đáp ứng thị hiếu thị trường để tăng thu nhập… Đến nay, Hội đang quản lý dư nợ trên 26 tỷ đồng, với 510 hộ vay ở 9 tổ thuộc 7 chi hội.

Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý thường bám sát các quy định giải ngân vốn của ngân hàng để triển khai kịp thời tới người dân. Việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng, quá trình sử dụng vốn được giám sát. Nhờ đó, các trường hợp vay đều chấp hành tốt quy định trả nợ lãi, nợ gốc đúng hạn. Sự hỗ trợ thiết thực không chỉ giúp người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thắp lên trong họ niềm tin có thể vượt lên gian khó, vươn lên thoát nghèo bền vững và gắn bó với tổ chức Hội.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xây dựng dữ liệu dân cư ở Hàm Thuận Nam:
	 		Những cái khó đương nhiên
Trong hành trình trên, người dân ấy ngay cả các đối tượng bảo trợ xã hội cũng tham gia vào chuyển đổi số bằng cách được chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt hay trẻ em cũng cần được gia đình khai báo thông tin để nhập lên dữ liệu dân cư, có mã định danh cá nhân để chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu. Do đó, có những cái khó mang tính đương nhiên...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Nam: Những tấm gương điển hình trên hành trình thoát nghèo