Theo dõi trên

Hàm Thuận Nam thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi

21/06/2016, 09:22

BT- Huyện Hàm Thuận Nam đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng 14 công trình hồ, đập, phục vụ nước tưới cho 8.000 ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho 7.394 hộ dân, với tổng chiều dài các tuyến kênh mương khoảng 328,2 km. Trong đó đã bê tông hóa các tuyến kênh chính được 26,23 km và kiên cố hóa kênh mương nội đồng 9,53 km.

                       
Hồ Sông Móng ở Hàm Thuận Nam.

Tái cơ cấu ngành thủy lợi

Để phát huy vai trò, hiệu quả của các công trình thủy lợi, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận - Chi nhánh Hàm Thuận Nam thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành thủy lợi. Trước hết là tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng quy hoạch thủy lợi và tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống thủy lợi, các công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Trên cơ sở đó đề xuất sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập có nguy cơ mất an toàn, xóa bỏ những dự án, quy hoạch thủy lợi treo và lựa chọn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các xã thường xuyên bị hạn hán. Tập trung đầu tư thi công các công trình thủy lợi đầu mối, trọng điểm, như: Hồ Ca Pét, kênh chuyển nước hồ Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon, kênh chuyển nước hồ Đu Đủ - Tân Lập - Tân Thành. Phát động phong trào nhân dân xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ và nạo vét kênh mương nội đồng để cung cấp nước tưới cho đồng ruộng. Các ngành chức năng huyện tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho các hồ, đập chứa nước. Xây dựng hoàn thiện các mô hình quản lý, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi theo cơ chế thị trường và huy động nguồn vốn của toàn xã hội để đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi. Tăng cường kiểm tra, lập biên bản, xử lý các đối tượng lấn chiếm hành lang công trình thủy lợi và quản lý, khai thác có hiệu quả các hồ, đập, phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân.

Những kết quả đạt được

Qua gần 2 năm thực hiện, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã chỉ đạo, cân đối nguồn vốn ngân sách, vận động nhân dân đóng góp đầu tư bê tông hóa các tuyến kênh mương nội đồng được 9,53 km và nạo vét kênh mương nội đồng 27 km. Riêng xã Tân Thành đã vận động nhân dân đóng góp 520 triệu đồng nâng cấp đập Suối Mây và nạo vét nhiều tuyến kênh mương nội đồng. Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cùng với các xã, thị trấn đã tuyên truyền, vận động các hộ dân áp dụng biện pháp tưới phun tiết kiệm nước cho 270 ha thanh long. Các ngành chức năng huyện đã rà soát những công trình bị xuống cấp, có tính cấp bách để đề nghị UBND tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng, phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân, như: Kênh chuyển nước hồ Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon, nâng cấp hồ Đu Đủ, đập dâng Hàm Cần, hệ thống thoát nước mưa ngoài hàng rào Khu công nghiệp Hàm Kiệm, kênh chính Bắc Ba Bàu, xã Hàm Thạnh, kênh tiêu Bà Sáu - Hàm Mỹ… Các xã, thị trấn đã thành lập tổ thủy nông để quản lý, điều tiết nguồn nước tưới cho đồng ruộng, hạn chế tình trạng thất thoát lãng phí nguồn nước tưới. Toàn huyện đã xây dựng 7 hệ thống cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, trong đó Trung tâm Nước sạch - VSMTNT tỉnh đầu tư xây dựng 6 nhà máy nước, với tổng công suất 6.000 m3/ngày đêm và 1 nhà máy nước do Công ty CP Bình Hiệp đầu tư xây dựng ở xã Tân Thành, với công suất 400 m3/ngày đêm, phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân.

Trong thời gian tới, UBND huyện Hàm Thuận Nam sẽ phối hợp với các sở, ngành ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi mang tính cấp bách, như: Kênh chính Bắc Ba Bàu, kênh chuyển nước hồ Tân Lập- Tà Mon, kênh chính đập Suối Mây (xã Tân Thành), kè bảo vệ Sông Phan (xã Tân Thuận), kênh chuyển nước hồ Tân Lập - Tân Thuận - Tân Thành, đập ngăn mặn Sông Phan (xã Tân Thuận).

TuẤn Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Nam thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi