Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại chợ cần đảm bảo khoảng cách an toàn để phòng, chống dịch Covid - 19 (Ảnh minh họa) |
Trên đây là nội dung hướng dẫn tổ chức, sắp xếp, bố trí lại các điểm kinh doanh tại chợ truyền thống để cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid - 19 vừa được Sở Công Thương gởi UBND các huyện, thị xã, thành phốvà doanh nghiệp quản lý kinh doanh chợ trên địa bàn Bình Thuận. Qua đó góp phần đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tại các chợ cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của người dân trong thời gian giãn cách xã hội (thực hiện theo công văn của UBND tỉnh).
Triển khai nội dung này, sở chức năng đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn rà soát các chợ truyền thống trên địa bàn quản lý. Trên cơ sở đó thống kê các hộ kinh doanh hàng hóa thiết yếu trong chợ để nghiên cứu, sắp xếp, bố trí lại điểm kinh doanh tại chợ đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Cụ thể là bố trí khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa các điểm kinh doanh với nhau và tận dụng không gian trống hoặc điểm kinh doanh tạm ngừng, chưa kinh doanh, khu vực công cộng tại chợ… để bố trí các điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn phòng, chống dịch.
Trường hợp các điểm kinh doanh ở một số chợ không đảm bảo về khoảng cách tối thiểu 2 mét (điểm kinh doanh cách điểm kinh doanh) thì nghiên cứu bố trí phân luồng theo hướng 1 chiều bán, mua hàng. Cũng có thể chuyển vị trí sang các điểm kinh doanh đã nghỉ tạm thời phục vụ công tác phòng, chống dịch hoặc phân chia thời gian kinh doanh giữa các hộ tiểu thương với nhau theo ngày chẵn, lẻ nhằm đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét. Đồng thời tại các điểm kinh doanh, bố trí dây văng hoặc vách ngăn tạm trên quầy sạp để tạo khoảng cách an toàn, hạn chế khách hàng tiếp xúc gần với người bán. Khuyến cáo rửa tay sát khuẩn sau mỗi lần bán - giao hàng cho khách, đeo khẩu trang trong suốt thời gian kinh doanh và khuyến khích hộ kinh doanh đeo kính chống giọt bắn. Bên cạnh đó còn phân luồng các lối đi, kẻ ô giãn cách tại khu vực bán hàng trong chợ để khách hàng dừng, xếp hàng chờ mua với khoảng cách tối thiểu các vạch dừng, chờ là 2 mét...
Đối với chợ có đường giao thông bao quanh, mật độ lưu lượng ngang qua chợ cao, các điểm bán tự phát xung quanh chợ trên đoạn đường này… thì địa phương cần có phương án sắp xếp, bố trí lưu thông đoạn đường bao quanh chợ. Như hạn chế lưu thông bằng rào chắn các nhánh đường phụ, lối đi phụ của chợ để phân luồng lối đi vào ra, bố trí lực lượng chốt chặn tạikhu vực vào ra chợ và hướng dẫn, điều tiết mật độ mua hàng hóa cho phù hợp…, hoặc cấm xe lưu thông trong thời gian cao điểm họp chợ.
Liên quan công tác phòng, chống dịchtrong thời gian giãn cách xã hội, Sở Công Thương cũng đề nghị các doanh nghiệp quản lý kinh doanh chợ thông tin tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh trong chợ chấp hành việc tạm dừng kinh doanh tạm thời đối với điểm kinh doanh không phải là hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiệnbiện pháp phòng, chống dịch tại chợ trên địa bàn quản lý. Nghiên cứu việc thực hiện phát phiếu mua hàng theo hộ gia đình (ngày chẵn, ngày lẻ) tại các chợ, điểm, khu bán hàng tạm thời,lưu động trong trường hợp cấp thiết để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19…
QUỐC TÍN