Theo dõi trên

Hàng nghìn người dân Haiti chạy trốn bạo lực ở thủ đô

17/08/2023, 10:17

Hàng nghìn người dân ở quận Carrefour-Feuilles, thủ đô Port-au-Prince của Haiti, đã phải chạy trốn khỏi nơi ở do bạo lực băng nhóm.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ngày 16/8 cho biết tình hình bạo lực gia tăng ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti trong tuần qua đã khiến hơn 3.000 người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có nhiều người buộc phải tìm nơi trú thân tại các địa điểm tạm thời với “điều kiện hết sức tồi tàn” khiến họ dễ trở thành mục tiêu bị tấn công.

haiti1.jpg
Người dân đập phá và phóng hỏa tại một trạm xăng ở Port-au-Prince trong cuộc biểu tình đòi Tổng thống Ariel Henry từ chức hồi năm 2022.

Theo ước tính của IOM, gần 200.000 người phải di dời trên khắp quốc đảo nhỏ bé vùng Caribe này, trong đó tập trung chủ yếu ở thủ đô Port-au-Prince, nơi giao tranh ác liệt giữa các băng đảng vũ trang đã nổ ra trong vài tháng qua.

"Tình trạng mất an ninh cao đang tạo ra sự ngờ vực giữa những người chủ của các khu nhà cồng và người dân đến tạm trú, do đó làm suy giảm sự gắn kết xã hội", thông cáo của IOM cho biết.

Trong bối cảnh đó, nhiều người đã buộc phải rời bỏ các khu nhà cộng đồng để đến các điểm trú ngụ tạm bợ, nơi họ phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn như bạo lực, xâm hại tình dục, phân biệt đối xử…

Bạo lực băng đảng đã gia tăng ở Haiti - đặc biệt là sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise vào tháng 7/2021, tạo ra khoảng trống quyền lực - và hệ thống chính phủ hầu như bị tê liệt đã khiến việc ngăn chặn các vụ bạo lực càng trở nên khó khăn hơn.

Bạo lực cũng đã cản trở việc tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe, buộc phải đóng cửa các trường học và phòng khám, và làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực vốn đã hết sức bi đát.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo trên thực tế của Haiti, Thủ tướng Ariel Henry, đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp và những nỗ lực để vạch ra một quá trình chuyển đổi chính trị cho Haiti.

Báo cáo về cuộc khủng hoảng tại Haiti của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chỉ rõ: "Tình hình mất an ninh trở nên trầm trọng hơn do bế tắc chính trị, hệ thống tư pháp rối loạn và tình trạng không bị trừng phạt kéo dài đối với các vi phạm nhân quyền".

Hồi tháng 10/2022, Thủ tướng Henry kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp thành lập một "lực lượng vũ trang đặc trách" để dập tắt bạo lực, và nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo xã hội dân sự Haiti đã bác bỏ khả năng can thiệp của nước ngoài với lập luận rằng trước đây Haiti đã từng áp dụng các biện pháp tương tự song điều đó càng khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Cuối tháng 7 vừa qua, Kenya cho biết đã sẵn sàng để dẫn đầu một "lực lượng đa quốc gia" ở Haiti với điều kiện phái bộ này phải nhận được sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để giúp đào tạo và hỗ trợ cảnh sát Haiti "khôi phục tình trạng bình thường trong xã hội hỗn loạn hiện nay". Một phái đoàn Kenya dự kiến sẽ sớm tới Haiti để đánh giá về khả năng triển khai nhiệm vụ.

Trong khi đó, cách đây hai ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra một loạt các lựa chọn cho Haiti trong một báo cáo gửi Hội đồng Bảo an. "Giải quyết tình hình an ninh ở Haiti đòi hỏi một loạt các biện pháp thực thi pháp luật cưỡng chế, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực tích cực trong các hoạt động của cảnh sát chống lại các băng đảng vũ trang ", ông Guterres nhấn mạnh.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngoại trưởng Mỹ-Nhật-Hàn bắt đầu cuộc họp trực tuyến
Ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã bắt đầu cuộc họp trực tuyến trước thềm hội nghị thượng đỉnh ba bên dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Mỹ.
Nổi bật
Cầu truyền hình 'Dưới lá cờ quyết thắng' kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Cầu truyền hình "Dưới lá cờ quyết thắng" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tối 5/5 tại 5 điểm cầu: Khu vực Sân hành lễ, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1 (Điện Biên); Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa); Nhà rông Kon Klor (Kon Tum), Khu di tích Cột cờ Thủ Ngữ (Thành phố Hồ Chí Minh).
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng nghìn người dân Haiti chạy trốn bạo lực ở thủ đô