Theo dõi trên

Hàng rong trước cổng trường: Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

24/10/2017, 09:01

BT- Với ưu điểm ngon, rẻ, tiện lợi… thức ăn, nước uống từ những quán hàng rong trước cổng trường luôn hấp dẫn mọi lứa tuổi học sinh.

                       
Hàng rong xung quanh trường học luôn tấp    nập học sinh.

Dạo quanh một số trường học ở TP. Phan Thiết dễ dàng bắt gặp những “quán hàng rong di động” sẵn sàng phục vụ các “thượng đế” nhí. Theo quan sát, dụng cụ hành nghề của các quán hàng rong khá đơn giản bao gồm chiếc xe đẩy tự chế, bếp gas mini và một cái chảo. Các mặt hàng được bày bán khá đa dạng từ các loại bim bim đủ màu sắc cho đến nước ngọt, sữa, bánh kẹo, bánh tráng trộn hay các loại thực phẩm chế biến tại chỗ như xúc xích, cá viên chiên... có giá dao động từ 2.000 - 5.000 đồng. Liệu rằng, những món ăn vặt trên có thực sự an toàn, đảm bảo vệ sinh khi được bày bán ngay bên đường?

Không chỉ thế, người chế biến thức ăn không hề đeo găng tay mà sử dụng tay trần để chế biến, thậm chí nhiều hàng quán còn vô tư bày bán đồ ăn gần nơi tập kết rác thải… trông rất mất vệ sinh. Nhiều loại bánh kẹo, thạch rau câu, sâm dứa… khi được hỏi nguồn gốc, xuất xứ thì người bán hàng chỉ ậm ừ không biết. Thực tế, không ai có thể đảm bảo nguồn gốc, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với những đồ ăn, thức uống được bày bán xung quanh trường. Không chỉ riêng ở tỉnh ta, mà trên cả nước, các chuyên gia y tế khuyến cáo những món ăn hàng rong không đảm bảo vệ sinh là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh tiêu chảy, dịch tả… trong cộng đồng.

Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ các quán hàng rong không đảm bảo an toàn, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả như: Đóng cổng trường giờ ra chơi, không cho học sinh ra ngoài mua hàng rong; tuyên truyền cho các em về kiến thức an toàn thực phẩm. Một số trường còn phối hợp tốt với chính quyền địa phương nhắc nhở, treo bảng cấm bán hàng rong trước cổng trường. Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú - thầy Huỳnh Hồng Lâm cho biết: “Trong mỗi buổi sinh hoạt chào cờ nhà trường đều tuyên truyền đến các em học sinh, không cho các em mua đồ ăn xung quanh trường. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, không cho các em đem theo tiền khi đến trường để hạn chế tình trạng các em ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Song song đó, trường còn thường xuyên phối hợp với UBND, Công an phường Đức Nghĩa nhắc nhở, xử lý các hàng quán bán lấn chiếm vỉa hè”.

Theo quy định, hiện nay hàng rong thuộc quản lý của UBND phường, xã, thị trấn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ chuyên môn, không có thiết bị kiểm tra nên công tác quản lý về ATVSTP ở địa phương còn nhiều bỏ ngỏ. Lãnh đạo UBND phường Đức Nghĩa cho biết: Những gánh hàng rong này thuộc nhóm thức ăn đường phố. Theo Thông tư 30, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện một số điều kiện về ATVSTP và khi đi kiểm tra chủ yếu xem hộ kinh doanh có đảm bảo yêu cầu về thủ tục hành chính như: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy khám sức khỏe, có tủ kính hoặc thiết bị bảo vệ thức ăn… Tuy nhiên, vì tính chất “di động” của hàng rong, nên việc kiểm tra chất lượng ATVSTP còn gặp nhiều khó khăn.

Thiết nghĩ, để hạn chế nguy cơ mất ATVSTP từ các loại thực phẩm bày bán ở cổng trường, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra và xử lý đối với các cá nhân buôn bán hàng rong vi phạm pháp luật về ATVSTP. Nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kiến thức về ATVSTP, đồng thời phối hợp với phụ huynh học sinh nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm hàng rong không đảm bảo ATVSTP.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng rong trước cổng trường: Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm