Cô chưa bao giờ đòi hỏi sự ưu đãi của nhà nước, sự quan tâm của nhà trường dành cho cô. Những gì thuộc về chế độ thì cô nhận, những gì thuộc về quan tâm, ưu ái cô đều từ chối. Bạn bè đồng nghiệp phần lớn quý mến cô, tuy nhiên vẫn có người nói bóng gió “nghèo mà chảnh”, cô cũng mặc kệ, không quan tâm mọi người nghĩ gì, chỉ quan tâm đến công việc mình đang làm, quan tâm đến các em học sinh.
Năm học này cô chủ nhiệm lớp năm, quyết tâm đưa ra là sẽ không để một học sinh nào bỏ học vì bất cứ lý do gì, tất cả học sinh trong lớp phải hoàn thành chương trình tiểu học và sang năm phải vào học lớp sáu. Cái khó khăn đầu năm học của lớp là học sinh vắng học quá nhiều. Lý do vắng học cũng không đâu vào đâu như: Em ở nhà đi cắt cỏ cho bò; mấy hôm nay trời mưa nên em không có quần áo khô đi học… Nói chung chỉ cần có lý do là các em vắng học. Cô Giang phải đến tận nhà, tìm hiểu từng hoàn cảnh, vận động gia đình tạo điều kiện cho các em đi học. Qua một tháng lớp học có vẻ chuyên cần hơn, các em đi học tương đối đầy đủ. Hôm nào có học sinh vắng là cô phải đến tận nhà tìm hiểu lý do để xử lý.
Một buổi sáng, Man Trường, học sinh của lớp vắng học không rõ lý do nên cuối giờ cô tranh thủ chạy đến nhà em xem tình hình thế nào. Tới nơi Man Trường đang bị sốt nằm đắp chăn, nhà chỉ có mình em, cha là nhân viên bảo vệ rừng đi làm chiều mới về. Tình huống bất đắc dĩ cô phải chạy đi mua thuốc, ghé mua mấy gói mì tôm, hai lạng thịt heo về nấu cháo. Ngồi múc từng muỗng cháo mà hai giọt nước mắt Man Trường tuôn rơi, thấy vậy cô lo lắng hỏi:
- Sao em khóc? Em đau chỗ nào a?
- Dạ không – Man Trường trả lời.
Qua nói chuyện mới biết em khóc do cảm động, do thương cô giáo quá, em cảm nhận được tình thương của cô giáo như mẹ hiền, người mẹ mà em chưa một lần biết mặt. Đầu giờ chiều cô quay về trường làm việc, đến cuối giờ ghé đến nhà Man Trường, em đã bớt sốt, anh Thanh, ba của em nói:
- Cha con tôi cảm ơn cô nhiều, cháu Trường mồ côi mẹ từ khi mới sinh ra, cảnh gà trống nuôi con vất vả lắm, ngày nào tôi cũng phải đi làm, cháu tự lo cho bản thân mình. Hôm nay nếu không có cô, không biết cháu sẽ như thế nào nữa.
- Không có gì đâu anh, cháu còn nhỏ lắm, rất cần sự quan tâm chăm sóc của người lớn. Mong anh dành thời gian cho cháu nhiều hơn – cô Giang trả lời và xin phép ra về sau khi dặn Trường uống thuốc buổi chiều.
Ngày nhà giáo Việt Nam, sau phần lễ do nhà trường tổ chức, các em không quên mang quà đến tặng cô. Quà là bịch trái cây hái ở nhà mang đến, quà là bó hoa dại, quà là cục xà bông tắm, quà là cái bàn chải đánh răng. Những món quà vô cùng giản dị được trao cho cô một cách vụng về, nhưng làm cô xúc động, nghẹn ngào. Và đặc biệt là cô nhận được một món quà từ bưu điện, không rõ người gửi, bên trong là một xấp vải áo dài và một tấm thiệp ghi “... muốn tặng cô món quà nhưng sợ cô không nhận, nên phải gửi qua đường bưu điện để cảm ơn cô đã đến mảnh đất xa xôi này…”.
Lại có học sinh nghỉ học, hôm nay là Man Thị Ny, các em trong lớp nói Ny nghỉ học luôn ở nhà giúp cha mẹ. Cả buổi, cô Giang cứ bồn chồn, trông mau hết giờ học để đến nhà Ny xem tình hình thế nào. Nhà Ny kinh tế cũng kha khá, chị của Ny mới 17 tuổi đã đi lấy chồng, mẹ Ny nói với cô:
- Chị Ny đi lấy chồng, nhà có hơn ba mươi con dê không có người chăn, phải cho Ny nghỉ học ở nhà đi chăn.
Nghe nói vậy, cô Giang phải dùng hết lời lẽ để thuyết phục cha mẹ Ny cho em tiếp tục đi học, nhưng không được. Cô phải nhờ đến anh Thanh, ba của Man Trường chiều hôm đó đến vận động cha mẹ Ny thì hôm sau em mới được đi học.
Trong lớp còn có Y Đàn nhà nghèo quá, em thường xuyên đi học mà không được ăn sáng, có hôm học đến cuối buổi, mặt em tái mét vì đói bụng, cô Giang phải lấy sữa cho uống mới bình thường lại. Không những Y Đàn mà còn nhiều em nữa không được ăn sáng khi đi học, nên khi nhận lương là cô Giang trích tiền ra mua một thùng sữa cất trong lớp, phòng khi có học sinh đói lã thì dùng đến.
Đầu tháng 12, Y Đàn lại nghỉ học hai ngày liền, cuối buổi học cô tìm đến nhà học sinh, thấy hoàn cảnh của em quá bi đát, không còn gạo để ăn, em phải nghỉ học ở nhà đi bẻ măng để đổi gạo. Thương hoàn cảnh của em, cô quay về trường mượn tiền của đồng nghiệp mua 10 kg gạo mang vào biếu gia đình để cho em có cơ hội đến lớp.
Biết cô Giang hay xuất tiền ra giúp đỡ học sinh nghèo, anh Thanh cũng là chi hội trưởng chi hội phụ huynh của lớp, tình nguyện đồng hành cùng cô, mỗi tháng ủng hộ một thùng sữa và 10 kg gạo.
Lớp học với hơn hai mươi học sinh mà có quá nhiều điều để lo lắng. Hết học kỳ I, cô vui mừng sung sướng vì bao cố gắng đã được đền đáp, tất cả học sinh trong lớp đều hoàn thành chương trình học kỳ I. Đôi khi cô ngồi ngẫm lại bản thân mình, cứ mãi lo cho công việc mà bước sang tuổi 26 rồi vẫn chưa có mảnh tình vắt vai, lẽ nào cả đời cô gắn bó với nơi xa xôi hẻo lánh này.
Mùa xuân lại đến, không khí chuẩn bị đón tết ở vùng quê này thật ảm đạm. Vùng này chủ yếu là người dân thiểu số, nhiều gia đình không quan tâm đến tết. Cô phải mua giấy màu trang trí phòng học, cắm một nhánh mai rừng ở góc lớp, tập cho các em hát về mùa xuân. Cô lại nhận được quà từ bưu điện của một người xa lạ giấu tên kèm theo tấm thiệp chúc mừng năm mới với nội dung vừa tôn trọng vừa cảm phục. Nhận quà vừa vui, vừa lo, cô đem những lo lắng của mình nói với ba của Man trường, anh Thanh nói:
- Một người nào đó muốn cảm ơn cô vì đã quan tâm đến con em họ, nhưng không muốn cô bận lòng nên mới tặng quà qua bưu điện. Họ không muốn cô biết họ là ai nên cô cũng không nên quan tâm đến điều đó làm gì.
Nghe anh Thanh nói, cô mỉm cười, không còn bận tâm đến việc ai là chủ nhân của những món quà nữa. Cô nghĩ người tặng với ý đồ tốt, trước sau gì cô cũng biết. Cơ bản là cô phải sống sao cho xứng đáng với bà con nơi này.
Niềm vui kéo dài không bao lâu thì Ninh Hải bỏ học, cô lại phải đến nhà để vận động em ra lớp. Nhà đóng cửa mấy ngày liền, hỏi thăm mới biết cả gia đình dọn vào rẫy cách nhà hơn ba cây số để ở cho tiện việc canh tác. Cô Giang lại nhờ anh Thanh dẫn đường đến rẫy gia đình Hải. Đi bộ qua hai ngọn đồi, lội qua một con suối, mất hơn một giờ mới đến nơi. Gặp cha mẹ Hải, cô Giang cùng anh Thanh thuyết phục mãi nhưng cuối cùng đã thất bại. Vấn đề quan tâm của ba Hải là cái ăn, cái mặc, chứ không phải cái chữ, càng không phải là tương lai của Hải. Chia tay cô len lén giấu đi giọt nước mắt của mình. Thế là lớp học vắng đi một học sinh.
Trên đường về, một con rắn đang bò trên ngọn cây vô tình rơi xuống vắt ngang vai cô, con rắn chưa kịp bò đi thì anh Thanh đi phía sau đã nhanh tay túm đầu kéo ra, phần đuôi phía sau của rắn quấn lấy cổ cô. Cô Giang được một phen hết hồn, cô vừa la, vừa nhảy, sau đó lại khóc. Anh Thanh lúng túng không biết an ủi thế nào nói:
- Con này là rắn hổ vện, không độc đâu cô đừng sợ.
Sau khi bình tỉnh, cô lại cười thầm nghĩ “hôm nay mà không có anh Thanh, chắc cô xỉu luôn”.
Đã bước sang tháng năm, cây phượng già ra hoa đỏ rực cả một góc sân trường, cơn mưa chiều nặng hạt hơn thường ngày cứ dai dẳng kéo dài đến gần tối mới ngưng. Cô Giang vội vàng ra về lúc giọt mưa chưa dứt hẳn. Con đường về nhà hôm nay có những đoạn ngập trong nước, xe đang đi bỗng dưng lệch hẳn sang lề trái, nước chảy xiết băng ngang đường, chiếc xe cũng bị lùa theo, dòng suối cạn hôm nay hung hãn khác thường, cô Giang buông tay lái để mặc chiếc xe ngã chỏng chòi, còn mình trôi theo dòng nước không cưỡng lại được, nước nhấn xuống lại chòi lên, bàn tay vơ víu tìm điểm tựa, bỗng một bàn tay cứng rắn nắm lấy tay cô kéo vào một gò đất cao. Thì ra chiều nay thấy lũ về bất thường, vừa dứt cơn mưa anh Thanh vội chạy ra đoạn đường có con suối cạn để đưa cô Giang qua, vì anh biết thế nào cô cũng về qua đoạn đường này, lúc anh chạy ra tới nơi cũng là lúc cô Giang chập choạng buông xe, anh vội chạy tới, đoán đầu dòng nước giữ lấy cô, đưa cô qua cơn nguy hiểm.
Buổi liên hoan đầy lưu luyến, cô vui mừng vì tất cả học sinh của lớp hoàn thành chương trình tiểu học, sang tháng 9 là các em bước vào lớp 6. Một thoáng buồn lướt qua khi cô chợt nghĩ đến Ninh Hải, không biết tương lai em sẽ như thế nào, hay là bước sang 17 tuổi lại đi lấy chồng như một số cô gái ở vùng này. Năm nay cô bị cắt thi đua vì có học sinh bỏ học, điều này không làm cô buồn, mà buồn vì học sinh của cô bỏ học đã làm bao công lao phấn đấu của cả tập thể giáo viên nhà trường đổ sông, đổ biển. Cô cảm giác như mình là một tội đồ.
Cuối buổi liên hoan, cô mời chi hội trưởng gặp riêng để nói lời cảm ơn. Khi sân trường còn hai người anh Thanh đã chủ động kể về cuộc đời mình cho cô Giang nghe. Nhà anh ở thị trấn, sau khi đi bộ đội về anh xin vào làm nhân viên bảo vệ rừng. Trong một lần đi kiểm tra rừng, người đồng đội của anh đã bị trượt chân xuống vực, trong lúc hấp hối, người đồng đội đã ủy thác đứa con trai mới ba tuổi mồ côi mẹ cho anh nuôi. Ngoài công việc ra anh dành thời gian chăm sóc cho đứa con nuôi, thấm thoát cũng đã được bảy năm. Hôm Man Trường bệnh, anh đi làm về thấy nhà cửa gọn gàng, chợt hiểu ra trong nhà này cần có bàn tay của một người phụ nữ. Buổi chiều gặp cô, anh xúc động lắm, hình ảnh của cô đã in vào tim anh. Lần đầu tiên trong đời anh biết rung động, biết thổn thức. Mỗi lần gặp cô, anh phải nén cảm xúc của mình, cố tỏ ra bình thường nhưng con tim thì cứ rộn ràng. Câu chuyện cứ lang man, không đầu không đuôi, có lúc im lặng…
Thực ra câu chuyện anh Thanh nhận con nuôi cô đã nghe kể, cô cũng cảm nhận được tình cảm của anh Thanh dành cho mình, những gói quà giấu tên cô đã đoán được của ai. Ánh trăng đêm rằm xuyên qua tán cây loang lỗ xuống hai người, cô để mặc cho anh Thanh nắm lấy tay mình, đầu óc trống rỗng nhưng lòng tràn đầy hạnh phúc.