Theo dõi trên

Hành trình pho tượng cổ bị mất

20/07/2022, 10:19

Như bài viết chùa Phật nổi và pho tượng cổ A Di Đà trong số báo trước, thì khi tượng Phật nổi yên vị trong chùa được khoảng 4 năm, đến năm 1976 pho tượng bị đánh cắp, để lại niềm tiếc thương của mọi người nhưng họ tin pho tượng sớm muộn cũng sẽ được tìm thấy hoặc tự xuất lộ, không ai dám phá hại.

Phát hiện pho tượng Phật dưới triền cát

Ngày 21/2/1997, trong một lần dùng máy dò tìm phế liệu ở dọc triền cát ở khu vực Bàu Thiêu thuộc xã Hòa Thắng, địa bàn của chiến khu Lê Hồng Phong trong kháng chiến, ông Nguyễn Văn Bụp trú ở xã Hàm Nhơn phát hiện dưới hố sâu khoảng 60cm có một tượng Phật, một chân đèn, một lư nhang và một tượng sư tử bằng đồng. Số chân đèn, lư nhang và sư tử do bị gỉ, sét nên ông Bụp đã bán cho ve chai. Riêng tượng đồng thì ông mang về nhà ở Hợp tác xã 2, xã Hàm Nhơn. Biên bản của chính quyền và các cơ quan giải quyết sự việc ghi là tượng Như Lai.

tuong-phat-a-di-da-phat-hien-o-bau-thieu-1997.jpg

Khi đưa về nhà nhiều người dân phát hiện và tin này nhanh chóng lan ra khắp nơi, nhất là trong giới Phật tử. Người thì cho Phật báo mộng cho ông Bụp để đưa ngài về, người thì cho điềm may mắn của cộng đồng nơi đây khi Phật về cứu nhân độ thế. Nhiều người góp ý rằng không nên để tượng Phật trong nhà mà nên đưa đến đặt trong chùa chiền. Trước những lời bàn tán đó, ông Bụp đã dựng một túp lều gần nhà và đặt tượng Phật trên bàn, hương khói.

Tin đồn là lấy nước ở chỗ đặt tượng Phật sẽ chữa được bách bệnh. Hàng trăm người chen chúc nhau nào là can nhựa, chai, hũ, lọ… tranh nhau lấy nước, thứ nước đục như nước hến để uống, rửa chân, tay, mặt, mũi và đưa về nhà. Cảnh tượng đó lặp lại nhiều ngày từ sáng đến tối. Những người ở xa như Phan Rang, Ninh Phước, Hàm Tân… đều bắt xe đò ra lấy nước Phật về chữa bệnh.

Nhận thấy sự việc bất thường đó trên địa bàn làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, mất vệ sinh và gây ồn ào khu vực dân cư, chính quyền xã Hàm Nhơn đã đề nghị Sở Văn hóa Thể thao, Công an tỉnh, Công an huyện tiếp cận và giải quyết sự việc. Theo biên bản được ghi là 20 giờ ngày 24/2/1997, nghĩa là sau 3 ngày đêm sự việc xảy ra, tổ công tác mới tiếp cận để giải quyết nhằm chấm dứt tình trạng mất an ninh tại đây.

Theo biên bản: Di vật là tượng Như Lai bằng đồng, cao 65cm, rộng vai 32cm, rộng 2 đầu gối 45cm, nặng trên 40 kg, trên đầu tượng bị thủng một lỗ 9cm, sau mông tượng bị bể 10cm và ở hông phần cuối lưng tượng bị thủng lỗ chỗ.

Sau khi giải thích về Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh - 1984 (lúc này chưa có Luật Di sản văn hóa). Gia đình ông Bụp chấp hành là giao cho Nhà nước nhưng yêu cầu được giữ pho tượng lại một đêm, theo gia đình ông là để khỏi trống trải. Nói vậy nhưng hơn 1 tuần sau, pho tượng mới được đưa về Bảo tàng tỉnh.

Việc giải thoát pho tượng cũng quá gian nan. Vì pho tượng vẫn được đặt ở nhà ông Bụp, hàng trăm người dân khắp nơi tiếp tục tụ tập về đây ngày càng nhiều, nhất là khi nghe tin Nhà nước sắp thu hồi tượng Phật. Vài ba nhóm gồm 5 - 7 người lấy nước xong không chịu về mà giăng bạt làm lều ở lại luôn. Việc ăn ở vì thế càng náo loạn và mất vệ sinh, dễ lây lan dịch bệnh. Không còn cách nào khác là lực lượng chức năng của tỉnh phải cưỡng chế để đưa tượng Phật về Bảo tàng tỉnh. Sở Văn hóa Thể thao tham mưu UBND tỉnh thưởng 5 triệu đồng do công phát hiện của ông Bụp theo luật định.

Để xác định chính xác về khoa học, Sở Văn hóa Thể thao đã mời các nhà khoa học ở Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh có kinh nghiệm giám định. Bước đầu cho biết đó là tượng Phật A Di Đà. Chất liệu đồng thau, niên đại thuộc đầu thế kỷ 19.

Kết luận đó tạm thời đưa vào lý lịch khoa học của pho tượng theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn các ý kiến trái chiều về xuất xứ và niên đại pho tượng. Từ lúc nghe kể việc phát hiện, rồi xem vị trí Phật nổi năm xưa cùng hình ảnh chụp lại. Đến năm 1997 khi ông Bụp rà phế liệu tìm được, rồi tận tay ôm giữ pho tượng ngồi trên xe để đưa về bảo tàng; cho đến khi xem xét chọn lựa để đưa pho tượng ra đai trưng bày tại bảo tàng. Dựa trên những cơ sở khoa học đó và phân tích những đặc điểm tượng Phật Chămpa với tượng Phật Đại Việt cùng thời. Quan điểm của chúng tôi vẫn cho pho tượng Phật nổi chính là tác phẩm điêu khắc của vương quốc Chămpa từ thế kỷ 8 và được thờ trong nhóm tháp cổ, nơi phát hiện pho tượng và cũng là nơi dựng lên chùa Kim Linh.

Có phải tượng Phật tại bảo tàng là tượng Phật nổi bị mất ở chùa Kim Linh tự

Năm 2016, khi quá trình sửa chữa nhà khách Tỉnh ủy thành nhà trưng bày bảo tàng đã hoàn thành. 1 trong 7 chuyên đề trưng bày cổ vật, có chuyên đề về tượng cổ. Dịp này pho tượng Phật A Di Đà do ông Nguyễn Văn Bụp phát hiện và giao bảo tàng 1997, gần 20 năm sau được chọn trưng bày. Cùng với pho tượng này còn có hàng chục tượng cổ với nhiều chất liệu và niên đại, giá trị mỹ thuật, điêu khắc khác nhau.

Vài tháng sau khi khánh thành, một hôm có đoàn khách xin vào tham quan tự do, gần chục người và toàn là nữ thuộc nhiều lứa tuổi, ăn mặc lịch sự và đẹp. Họ không đi theo thứ tự như hướng dẫn mà đi thẳng đến nơi trưng bày tượng cổ, rồi cả đoàn dừng lại ở pho tượng Phật A Di Đà. Tại đây họ xếp hàng lại và bái Phật trông rất bài bản. Vài người bật khóc thành tiếng. Một người trong đoàn khẳng định đây chính là pho tượng bị mất ở chùa Phật nổi năm xưa. Một vài người nói to tiếng có hướng mất kiểm soát ngay trong gian trưng bày tượng Phật vốn yên tĩnh.

Chờ cho họ tĩnh tâm lại, chúng tôi gặp những người đại diện trong đoàn tham quan giải thích thêm cho họ hiểu. Được biết trong đoàn có một số người là Việt kiều ở Úc về thăm quê; nghe nói ở bảo tàng đang trưng bày pho tượng Phật nổi bị mất năm xưa, nên rủ nhau vào xem và tìm cách xin thỉnh về chùa. Một vị khách lớn tuổi cho biết, bà đã từng thấy pho tượng y như vậy thờ ở chùa Phật nổi trước giải phóng. Bà còn nhớ là pho tượng bị thủng một lỗ lớn trên đầu. Nguyện vọng của họ là muốn làm rõ nguồn gốc pho tượng và cuối cùng xin đưa trở lại chùa Phật nổi (Kim Linh tự) ở Hàm Thắng.

Chúng tôi giải thích cho bà và đoàn khách nghe về Luật Di sản văn hóa và những điều liên quan đến pho tượng cổ được phát hiện như thế nào; rồi họ hẹn sẽ quay lại với pho tượng Phật A Di Đà vào những lần về sau. Trước khi về họ không quên bái lạy pho tượng và bùi ngùi bước đi. Trong tâm họ thì dù sao pho tượng Phật A Di Đà đang trưng bày ở Bảo tàng Bình Thuận chính là tượng Phật nổi đã từng xuất hiện ở thôn Kim Bình, xã Hàm Thắng năm 1973, và hành trình của ngài từ năm 1976 nay mới tái xuất.

NGUYỄN XUÂN LÝ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sôi động trở lại
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Bình Thuận có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình pho tượng cổ bị mất