Theo dõi trên

Hiểm họa không tiêm ngừa bệnh dại dẫn đến tử vong

28/07/2022, 05:43

Không riêng gì Phan Thiết mà nhiều nơi khác trong tỉnh, người đi đường thường xuyên bắt gặp chó thả rông. Chó thả rông nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn, lây truyền bệnh dại cho người dễ dẫn đến tử vong nếu không phòng ngừa sớm.

Chó thả rông nhiều nơi

Phan Thiết là đô thị, không khó bắt gặp chuyện chó, mèo thả rông ngoài đường mà không được rọ mõm. Khi chó chạy rông ngoài đường xảy ra trường hợp làm té, ngã người điều khiển xe máy gây tai nạn, hoặc cắn người gây truyền nhiễm vi rút bệnh dại. Kế đến, chó thả rông thường hay phóng uế bừa bãi ra môi trường. Không riêng gì Phan Thiết mà nhiều nơi khác trong tỉnh, người đi đường thường xuyên bắt gặp chó thả rông.

cho.jpg
Ảnh minh họa.

Đơn cử chị Trần Thị Thanh Phương (Hàm Thuận Bắc) kể lại: Cách đây 1 tháng, chị Phương chở 2 con nhỏ đi ăn sáng, chạy với tốc độ khá chậm. Bất thình lình, 1 con chó phóng ngang qua đường, chị Phương thắng gấp, cả 3 mẹ con té ngã xuống đường; may mắn chỉ xây xước nhẹ. Một số người tiêm ngừa dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Người thì bị chó hàng xóm cắn, hoặc đang đi trên đường bị chó thả rông cắn, có người thì bị chó mình nuôi cắn.

Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận có 5.873 người tiêm vắc xin phòng dại, trong đó có 1 trường hợp tử vong do nghi dại. Phan Thiết là địa bàn có số người đi tiêm phòng dại nhiều nhất, với 2.397 người (thì có 2.227 người tiêm phòng dại do chó cắn) chiếm tỷ lệ 40,8% tổng số người tiêm vắc xin phòng dại trên toàn tỉnh. Số liệu này cho thấy Phan Thiết có nhiều người bị chó cắn. Trong số 5.837 người tiêm vắc xin phòng dại thì có 5.228 người tiêm phòng dại do bị chó cắn, chiếm tỷ lệ 89% trong tổng số người tiêm phòng dại; số còn lại được tiêm phòng dại là rơi vào trường hợp mèo, dơi và các loại động vật khác cắn.

Vì sao tử vong?

Qua rà soát phần mềm báo cáo Thông tư số 54/2015/TT/BYT vào ngày 29/6/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phát hiện có 1 trường hợp nghi dại được điều trị tại Khoa Nhiễm – Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Đó là 1 nam bệnh nhân P. M (SN 1964) ngụ khu phố 6, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong.

Theo hồ sơ bệnh án và lời kể của người nhà, bệnh nhân bị chó nhà hàng xóm cắn cách đây 1,5 tháng, có 1 vết nông ở bàn tay, chảy máu ít. Sau khi cắn bệnh nhân, đến chiều chó cũng chết. Bệnh nhân không xử lý vết thương, không tiêm vắc xin phòng dại, không tiêm huyết thanh kháng dại.

Cách 2 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu đau đầu, sốt, mệt mỏi; tự mua thuốc uống không rõ loại. Ngày 8/6/2022, bệnh nhân có dấu hiệu kích động, lạnh run, sợ gió, sợ nước; đến khám tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận. Thông qua bệnh sử, bác sĩ chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Với triệu chứng lên cơn gào thét, rú, than khó thở, sợ gió, nước, ánh sáng… bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại; xử trí an thần, nằm phòng tối tránh ánh sáng và tiếng động. Đến 17h30 phút cùng ngày, bệnh nhân được gia đình xin về nhà và tử vong tại nhà lúc 6 giờ ngày 9/6/2022.

Bị chó cắn hãy tiêm phòng dại ngay

Trước trường hợp tử vong trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có văn bản đề nghị Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phong kiểm tra tình hình đàn chó nuôi tại khu phố 6, thị trấn Liên Hương. Phối hợp với ngành y tế tại địa phương để giám sát tình hình bệnh dại trên người từ đó có hướng xử lý nhanh trong trường hợp có bệnh dại trên người xảy ra. Đồng thời, làm việc với UBND thị trấn Liên Hương để vận động người dân cần nuôi nhốt chó tại nhà, không được thả chó chạy rông nhằm hạn chế chó cắn người và giảm thiểu việc lây lan dịch bệnh trên đàn chó nuôi. Hướng dẫn người dân cần nuôi nhốt cách ly trong vòng 14 ngày để theo dõi đối với những con chó bị chó khác cắn. Nếu có triệu chứng bất thường cần thông báo ngay đến cơ quan thú y để kịp thời kiểm tra, xử lý.

Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện truyền thông của địa phương đến từng cộng đồng dân cư về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả; công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được xử lý, ngăn ngừa tử vong do bệnh dại.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kêu gọi người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dại ngay khi bị chó, mèo, động vật khác cắn. Người nuôi chó, mèo phải tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo và không được thả rông...

TRANG HIẾU


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tiêm phòng vắc xin ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, thực hiện Kế hoạch số 88 của UBND tỉnh vừa mới ban hành về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2022, toàn tỉnh sẽ tiêm phòng các loại vắc xin ngăn ngừa sự phát triển của các loại dịch nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như: Dịch tả heo Châu phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò, bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểm họa không tiêm ngừa bệnh dại dẫn đến tử vong