Đây là một trong những kiến nghị của Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông tại phiên thảo luận toàn thể ở Hội trường Diên Hồng về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận diễn ra vào sáng 30/5.
Tạo “kho nước” phía thượng nguồn
Phát biểu tại hội trường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho biết, Bình Thuận được biết đến là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước, tình trạng hạn hán, thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất thường xuyên xảy ra như nhận xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước khi nói về Bình Thuận là khô, khó và khổ. Do vậy, nước là vấn đề lớn trong sự phát triển của tỉnh. Qua quá trình giám sát ở địa phương và qua các nội dung tham gia góp ý, thảo luận của các ĐBQH đã phát biểu; là một đại biểu Quốc hội của tỉnh Bình Thuận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ cảm kích trước sự ủng hộ của các đại biểu, và bản thân cũng hoàn toàn nhất trí với nội dung của Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Mặt khác, mặc dù việc triển khai Dự án đã chậm gần 3 năm so với Nghị quyết số 93 nhưng xét thấy phần lớn là do nguyên nhân khách quan, trong đó có thể thấy thời điểm triển khai Dự án là thời điểm cả nước nói chung cũng như tỉnh Bình Thuận nói riêng đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch Covid-19. Để triển khai có hiệu quả Dự án, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đầu tư công, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án đến hết năm 2025 (nghĩa là chậm hơn 1 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 93 của Quốc hội).
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Dự án hồ chứa nước Ka Pét nếu không xét về yếu tố rừng tự nhiên phải trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư thì quy mô dự án chỉ tương đương với công trình, dự án nhóm B. Để giảm bớt các thủ tục hành chính trong phê duyệt, thẩm định dự án, rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, khắc phục sự chậm trễ như đã xảy ra, để dự án sớm được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ đã được Quốc hội cho phép điều chỉnh; đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này, là: Giao UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thẩm định và quyết định đầu tư dự án được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A. Việc áp dụng cơ chế đặc thù này cũng đã có tiền lệ, giúp dự án sớm triển khai và hoàn thành trong năm 2025.
Đại biểu Thông cũng đề nghị Quốc hội cho phép tỉnh Bình Thuận được bổ sung một số khu vực khác để trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư số 25 vừa mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2023 để tỉnh có thể giao ngay cho Ban Quản lý bảo vệ rừng triển khai đồng loạt trên diện tích hơn 2.000 ha đất rừng sản xuất có thể trồng rừng thay thế nhằm đồng bộ với tiến độ hoàn thành xây dựng dự án. Điều này là có cơ sở, tránh trường hợp tăng vốn đầu tư do đơn giá trồng rừng thay thế có thể tăng nếu thời gian trồng rừng kéo dài.
“Với vai trò, ý nghĩa rất quan trọng có tính quyết định cho sự phát triển bền vững của địa phương nên Hồ chứa nước Ka Pét là sự khát khao, mong chờ từ nhiều năm nay của Đảng bộ, chính quyền cử tri và nhân dân tỉnh Bình Thuận. Sự hình thành công trình tạo “kho nước” phía thượng nguồn để cấp cho các hệ thống công trình thủy lợi sẵn có đã được đầu tư xây dựng nên công trình sẽ phát huy hiệu quả ngay khi được đưa vào sử dụng. Cử tri của tỉnh Bình Thuận rất mong được sự quan tâm, xem xét chấp thuận của Quốc hội.” - đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị.
ĐBQH ủng hộ việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Hồ Ka Pét
Phát biểu tại hội trường, đại biểu K’Nhiễu - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng thống nhất cao Báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Đại biểu nhận thấy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng gay gắt, hạn hán thường xuyên, nguồn nước khan hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của dân thì việc quan tâm đầu tư xây dựng một công trình kỹ thuật phục vụ nước sản xuất, nước tưới cho vùng nông nghiệp, nước thô cho các khu công nghiệp, phòng, chống lũ, cải tạo môi trường và hồ chứa nước cho vùng hạ du là một việc làm hết sức cấp thiết và có ý nghĩa đối với người dân vùng hạn hán.
Để hoàn thành dự án một cách nhanh chóng, bảo đảm tính cấp thiết trong bổ sung nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất cho nông dân, đại biểu K’Nhiễu đề nghị cần phải rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong phê duyệt, thẩm định dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng sự cần thiết của dự án. Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung cơ chế đặc thù và giao UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm 3 do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật đầu tư công.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, thông qua báo chí phản ánh tình trạng lòng sông Linh – con sông lớn nhất tại xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam đã trơ cạn đáy sau mấy tháng không mưa, nhưng đây cũng là nơi duy nhất người dân có thể đào giếng để tìm nước sinh hoạt. Điều này cũng thể hiện Dự án Hồ chứa nước Ka Pét là mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây để không còn nỗi lo về vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất. Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét để dự án sớm được triển khai, thực hiện.
Về đề nghị cho phép cơ chế đặc thù để thực hiện dự án, đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ và báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về đề nghị Quốc hội giao cho UBND tỉnh Bình Thuận quyết định đầu tư theo trình tự, thủ tục thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý…
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ nhất trí cao với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét và đồng tình cao với những cơ chế đặc thù dành cho dự án. Đại biểu cho rằng, dự án có quy mô không lớn, nhưng quá trình thực hiện kéo dài, phải trình ra Quốc hội để điều chỉnh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành cần mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo nhanh hơn, gọn hơn trong phê duyệt thẩm định dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời Quốc hội trong điều kiện cho phép cần có các cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm các vấn đề...