Với phương pháp này, nhà sản xuất sẽ dễ dàng hơn trong việc quản lý hồ sơ, giấy tờ trên máy tính. Tất cả thông tin sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng truy xuất. Lô hàng mới đóng gói đã được đưa thông tin lên mạng chưa ra khỏi nơi sản xuất nhưng bên người bán đã xem được thông tin lô hàng… “Hệ thống này nhà sản xuất không cần đầu tư nhiều, chỉ cần đầu tư những khóa học đào tạo ghi chép thông tin sản phẩm lên phần mềm cho nhân viên là có thể sử dụng dịch vụ”, ông Đặng Huy Thành, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ trang trại & doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho hay. Phần mềm sẽ được điều chỉnh để phù hợp với từng nhà sản xuất, từng chuỗi sản xuất. Kể cả các nhà sản xuất rau nhưng có đặc thù riêng, muốn đưa thông tin riêng thì hệ thống sẽ điều chỉnh lại để phù hợp với từng chuỗi sản xuất cụ thể. Khi trang trại làm việc này, ngoài môi trường internet, thiết bị điện tử, bố trí vài người, họ cũng phải có máy tin mã tem QR code để người tiêu dùng có thể đọc được… Hiện nay, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có những thông tư quy định về truy xuất nguồn gốc, luật vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát thực hiện chưa được chú trọng.
Đối với người tiêu dùng, khi dùng hệ công cụ này, sử dụng tem truy xuất QR code, khách hàng có thể sử dụng smartphone chụp lại tem truy xuất, biết được mọi thông tin sản phẩm mình chuẩn bị mua. Đối với cơ quan nhà nước thông qua mã QR để ứng phó rủi ro tiềm tàng về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin chính xác cho cộng đồng. Hiện tại Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc đều yêu cầu nhập khẩu hàng hóa nông sản đều phải truy xuất nguồn gốc… Tại Bình Thuận, Trung tâm Hỗ trợ trang trại & doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cũng đã ứng dụng phần mềm quản lý trang trại KiPUS truy xuất nguồn gốc thanh long cho các cơ sở, hợp tác xã sản xuất như Hàm Minh 30, Thuận Tiến, Hòa Lệ.
Trong tương lai, các nhà vườn thanh long Bình Thuận có nhu cầu sẽ được áp dụng mô hình truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây đặc sản của địa phương. Được biết, toàn tỉnh đã có 7.930 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, phần lớn thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu. Mặt hàng nông sản xuất khẩu này chuyển dần từ thị trường Trung Quốc sang nhiều thị trường mới như Mỹ, Singgapore, Ấn Độ, New Zealand, Chi Lê, Úc…
Thụy Khanh