Tập thơ đầu tiên mà Nguyễn Văn Minh xuất bản là Mưa về trên thành phố (năm 2007), tiếp đó ông cho ra mắt các tập Lẽ nào (năm 2011), Điều kỳ diệu (năm 2012), Dáng mẹ trong đời (năm 2014), và năm 2016 này là Hoa trên cát bỏng, cuốn sách dày 150 trang lưu dấu 101 bài thơ đã in ở 4 tập thơ trước, cùng 4 bài thơ mới sáng tác và 2 bài viết về tác giả. Kể từ những bài thơ đầu tiên được viết ở tuổi sinh viên đầy thơ mộng thì đến nay ông đã có trên 35 năm đến với thi ca, qua nhiều cung bậc cuộc sống và tình cảm khác nhau.
Có thể nhận ra tình cảm của tác giả trong những bài thơ về đất nước, quê hương, gia đình, về mùa xuân, về ngôi trường thân yêu, mối tình đầu xa ngát, và cả những suy nghĩ về cuộc sống với thi ca… đong đầy trong những sáng tác của Nguyễn Văn Minh. Ở đó, độc giả tìm thấy một sự đôn hậu, chân thành trong suy nghĩ và những nét chân phương trong cách thể hiện, dù chủ thể ở vai trò là một chàng sinh viên, một thầy giáo, một người con, người chồng, người cha trong gia đình hay một công dân đối với quê hương, đất nước… tất cả những chia sẻ ấy tạo nên sự đồng cảm trong lòng người đọc.
Quê hương và gia đình là chủ đề được Nguyễn Văn Minh viết khá nhiều, xuất hiện ở hầu hết những tập thơ đã xuất bản. Ông có hai quê hương, hai gia đình và đều dành tất thảy tình cảm của mình cho những điều thương quý nhất của mình. Rời miền quê Bình Định vào lập nghiệp ở Bình Thuận, trong lòng luôn đau đáu nỗi nhớ quê xa nên miền thương nhớ ấy luôn hiện hữu trong tâm thức để rồi ông viết nên những câu thơ như ở trong những bài: Hương tết miền Trung, Về thăm cố huyện, Một thoáng quê hương tôi, Hoài niệm phố cát, Quy Nhơn ngày trở lại… và đọng lại trong sâu thẳm tâm hồn là những tình cảm không thể nhạt phai: Trong sâu thẳm hồn tôi luôn hiện hữu/Một quê hương đất võ trời văn (trích bài Một thoáng quê hương tôi).
Và nơi xa ấy có ngôi nhà thân yêu thuở nào với mẹ, cha và bao nhiêu kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến lúc cất bước ra đi. Người con đã viết nên những câu thơ thấm đẫm nỗi yêu thương: Mái nhà mẹ - chốn bình an/Che con mát rượi, hồn tan ưu phiền/Bỗng lòng nghe thật hồn nhiên/Ngày xưa vọng lại dịu hiền tiếng ru…(bài Trở về mái ấm); hay như trong bài Ký ức xuân tuổi thơ là những khoảnh khắc không thể nào quên: Ngoài hàng hiên anh chăm hoa vạn thọ/Trong nhà hai chị đóng bánh in…và cậu bé “tôi” thì “tíu tít nhà trên xóm dưới” và được “mẹ cho bánh trước/Rồi hồn nhiên khoe chị, khoe dì”… đó là kỷ niệm gia đình mà cho đến giờ, dù đã ở khoảng cách rất xa cả không gian và thời gian, ông “Vẫn khát khao hương tết ở quê nhà”.
Còn đối với quê hương thứ hai - Bình Thuận và gia đình nhỏ của mình gắn bó từ hơn 30 năm qua, ông cũng có nhiều bài thơ nói lên tấm lòng và tình thương yêu vô bờ bến của mình. Đó là những vần thơ về người vợ tào khang trong bài Tình khúc: Thương anh, em bươn chải/Cơm áo nặng vai gầy/Mùa nóng về gió cát/Đôi má em đỏ hây… hay một lời dặn dò đầu xuân cho con đong đầy chất ưu tư: Con chớ nên lêu lổng/Mải chơi quên học hành/Thời gian không đứng đợi/Đừng để phí ngày xanh…
Khá nhiều bài thơ được nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Văn Minh sáng tác về vùng đất Phan Thiết, Bình Thuận mà ngay từ những tiêu đề đã thể hiện điều này, như: Nét xuân Phan Thiết, Em Hàm Thuận - Đa Mi, Đêm mưa rừng Tánh Linh, Phú Quý đảo xanh, Cảm tác Lầu Ông Hoàng, Hàm Thuận Nam một chiều xuân… mỗi tứ thơ là một cung bậc tình cảm khơi gợi với mọi người về một vùng đất hiền hòa bên bờ biển xanh êm đềm. Miền đất này đã đón bao người con từ những miền quê xa về đây hội tụ, nơi mà “Dòng sông đi qua thành phố trẻ/Mắt ai cười thêm vui phố đông” (trong bài Một thoáng Phan Thiết).
Và, khi đọc thơ Nguyễn Văn Minh, chúng ta không thể quên những bài thơ viết về mái trường, nghề giáo và tình thầy trò của một người mà “dấu chân mòn bục giảng” như ông. 34 năm trong nghề từ khi rời giảng đường đại học, cũng ngần ấy năm ông gắn bó với ngôi trường Phan Bội Châu - Phan Thiết. Bao thế hệ học trò đi qua những bài giảng của thầy để rồi cùng với những nguồn tri thức khác đến với những bến bờ tương lai. Và tình cảm của thầy qua bao thời gian vẫn dành hết tâm sức với ngôi trường, với bao lớp học trò đến rồi đi.
Bài thơ Có một ngôi trường được Nguyễn Văn Minh viết năm 1999 - cách nay 17 năm - đã nói lên tình cảm sâu đậm của mình với đồng nghiệp và học trò. Có một ngôi trường tôi yêu/Sớm chiều thướt tha áo trắng/Mái ngói xanh màu thời gian sâu lắng/Hàng me cao vẫy gọi gió biển xa…
Trong tập thơ này, bên cạnh những chủ đề chính trên, tác giả còn có nhiều bài thơ khác viết về đất nước, về tình yêu, về những vùng đất mà mình đã đến thăm và cảm nhận như ở các bài Hai mùa xuân lịch sử, Hoàng Sa đất mẹ thân yêu, Sóng Trường Sa, Chiều nhớ, và những sáng tác về Đà Lạt, Cầu Long Biên, Sài Gòn, Tây nguyên…
Trong hai bài viết giới thiệu về tác giả in trong tập sách này, các tác giả cũng đã có cái nhìn chung nhất về thơ Nguyễn Văn Minh. Tiến sĩ, nhà thơ Mai Bá Ấn viết: “Thơ Minh trầm hiền, chân mộc theo thi pháp truyền thống như chính con người Minh vậy. Không một chút uốn éo cầu kỳ nào, cũng không hề “nhận họ hàng” hay “ăn theo” gì với lối thơ “Hậu hiện đại” hay “Tân hình thức” đang trở thành “mốt” trên thi đàn đương đại…”. Còn theo thạc sĩ Đặng Ngọc Hùng thì thơ Nguyễn Văn Minh: “Không biểu tượng, không gia công ngôn từ, không tạo hình và tạo kết cấu đặc biệt, thơ anh đi vào lòng người bởi sự chân chất và thấm đẫm tình người. Những bài thơ thành công của Nguyễn Văn Minh là khi anh để cái tình chi phối ngôn từ và hình tượng, và lúc đó, đằng sau sự giản dị là một điều gì chưa nói hết…”.
Năm học tới đây là năm cuối nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Văn Minh đứng trên bục giảng của “ngôi trường tôi yêu” (ông sinh năm 1957). Sự song hành giữa nghề giáo và nghiệp thơ bao năm qua là minh chứng cho sự lao động miệt mài của ông, thể hiện qua phấn trắng - bảng đen, trang giấy - cây bút. Và đây cũng là mảng đề tài mà có lẽ sau khi xa rời bục giảng, ông sẽ vẫn tiếp tục với những vần thơ mới của mình, cùng với những chủ đề khác đưa tới người đọc nhiều sáng tác hay hơn nữa trong chặng đường tiếp theo.
THIÊN THANH