Theo dõi trên

Hoa vạn thọ mùa tết: Đề phòng bệnh héo vi khuẩn

03/01/2018, 09:33

BT- Tết Nguyên đán đã đến gần. Đây là thời gian nông dân trồng vạn thọ đang tập trung chăm sóc cây để bán ra thị trường vào dịp tết. Tuy nhiên thời gian qua trên địa bàn có không ít diện tích vạn thọ bị nhiễm bệnh, gây tổn thất cho người trồng…

Vạn thọ là loài hoa được sử dụng phổ biến trong các ngày lễ, rằm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Tại TP. Phan thiết, cây vạn thọ được trồng chủ yếu ở xã Tiến Lợi và phường Phú Thủy. Hoa vạn thọ dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng cũng bị nhiều loại bệnh hại tấn công, trong đó có bệnh héo vi khuẩn. Đây là một bệnh thường xuyên xuất hiện, chỉ gây hại rải rác trên một số vườn, nhưng thời gian gần đây bệnh xuất hiện nhiều và gây thiệt hại nặng cho một số nhà vườn tại thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Nga - Trạm Bảo vệ thực vật TP. Phan Thiết, bệnh gây hại ở nhiều giai đoạn sinh trưởng của cây, nhưng gây hại mạnh nhất vào thời điểm cây tăng trưởng mạnh đến lúc ra nụ hoa. Cây bị bệnh héo rũ đột ngột, lá vẫn xanh, triệu chứng héo diễn ra rất nhanh, cây chết hoàn toàn sau đó vài ngày. Quan sát phần thân và cổ rễ cho thấy mạch dẫn bị thâm đen, cắt ngang thân cây để vào ly nước trong thì có những dòng dịch khuẩn màu trắng sữa chảy ra từ vết cắt.

Năm nay, do mùa mưa kéo dài, nhiệt độ và ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại mạnh. Bệnh có thể lây lan qua đất, nước, giống, dụng cụ cơ giới... Vi khuẩn gây bệnh tồn tại chủ yếu trong đất, tàn dư thực vật với  thời gian dài từ 6 tháng đến 1 năm. Vi khuẩn xâm nhập vào cây bằng nhiều đường: qua vết thương hở do thao tác ngắt đọt, tỉa cành, mưa to dập lá, côn trùng gây hại lá, rễ hoặc xâm nhập qua các khe hở tự nhiên của cây.   

 Khi cây bị nhiễm bệnh héo vi khuẩn thì rất khó trị, xử lý thuốc bảo vệ thực vật chỉ nhằm mục đích ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Do đó để phòng ngừa bệnh, bà con cần áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp, trong đó biện pháp canh tác được áp dụng chủ yếu là sử dụng giống sạch bệnh, nên xử lý giống bằng cách ngâm trong nước ở nhiệt độ thích hợp vừa có tác dụng kích thích nảy mầm vừa tiêu diệt mầm bệnh trong hạt. Luân canh cây trồng, tuy nhiên không nên luân canh với các cây cùng ký chủ của bệnh như cây họ cà (cà chua, cà tím, cà pháo...), họ bầu bí (bầu, bí, dưa...), họ đậu (đậu phộng, đậu tương...); vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư thực vật sau thu hoạch. Phơi ải đất trước khi trồng, lưu ý trong quá trình phơi phải xới đất để tiêu diệt mầm bệnh trong đất. Làm đất kỹ,  kết hợp bón thêm vôi bột, lên luống cao đảm bảo thoát nước tốt tránh ngập úng. Mặt khác, sử dụng phân chuồng hoai mục, có thể ủ với nấm Trichoderma. Kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện cây bị bệnh thì nhổ bỏ đem tiêu hủy tránh lây lan sang cây khác, rắc vôi khử trùng đất. Ngoài ra nông dân có thể sử dụng biện pháp hóa học: Để phòng bệnh, sử dụng thuốc gốc đồng phun định kỳ 5 - 7 ngày/ lần, đặc biệt sau khi ngắt đọt, tỉa cành.

Với các giải pháp phòng trừ bệnh cho cây trồng, nhất là cây vạn thọ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hiện nay, hy vọng trong vụ Tết Nguyên đán năm nay, bà con trồng hoa trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Phan Thiết nói riêng sẽ mang lại nguồn thu nhập khá. 

    
    Theo kinh   nghiệm của một số nhà vườn lâu năm, khi trồng vạn thọ, nên sử dụng đất   mới (đất chưa canh tác), kết hợp với sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ   thì bệnh héo rũ chỉ xuất hiện rải rác, không gây thiệt hại nặng. Ngoài    ra, lưu ý đối với những vườn bị nhiễm bệnh, ngoài tác nhân vi khuẩn thì   cây có thể đồng thời bị bội nhiễm bởi các tác nhân khác như nấm, sâu đục   thân, tuyến trùng... gây ra hiện tượng héo rũ, do đó bà con phải theo   dõi vườn thường xuyên và can thiệp kịp thời để việc phòng trừ đạt hiệu   quả.

K.Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoa vạn thọ mùa tết: Đề phòng bệnh héo vi khuẩn