Theo dõi trên

Hoài niệm Phan Thiết xưa

03/09/2021, 09:38

BT- Choeng, choeng, choeng. Thùng cà rùng tùng thùng. Thùng choeng, thùng choeng. Tiếng trống, tiếng chiêng ngày ấy chạy rông trên chiếc xích lô đạp, đi khắp phố nhỏ của thị xã Phan Thiết để quảng cáo và thông báo chương trình chiếu phim cùng những tờ chương trình (Program) tóm tắt phim sẽ chiếu vào buổi tối, mãi vẫn còn in đậm trong những trái tim hiếu động của bọn trẻ chúng tôi. Đường phố thị ngày trước không nhiều, loay hoay cũng vẫn những quãng nhỏ đường nhựa đi về các ấp phố không xa. Cũng vẫn những tên gọi thân thương như tự thuở nào... Trung tâm thì Đức Nghĩa, Đức Thắng, còn gọi là xa hơn thì cũng chỉ mấy bước chân như Phú Trinh, Bình Hưng, Hưng Long, Đức Long, Lạc Đạo...

Trên chiếc xe xích lô có phủ tấm bảng vẽ quảng cáo che kín ở phía trước, cột kèm hai tấm áp phích vẽ hình diễn viên cùng tên của bộ phim vào hai bên hông thùng xe. Người đánh trống chiêng ngồi gọn trong xe, bên ngoài không thấy, còn phía sau là người đạp lái xe kiêm luôn phát chương trình. Tờ chương trình in màu trên giấy mỏng, có khi là xanh đỏ, có khi vàng đỏ, có lúc lại vàng xanh, màu in hơi lem nhưng chữ in mực đen về nội dung phim thì hơi rõ, dễ đọc, phần cuối luôn luôn lúc nào cũng có câu: Mời quý khán giả và bà con chiếu cố đến xem để biết kết cuộc hấp dẫn của phần sau. Kính mời quý vị đón xem...

Bọn trẻ chúng tôi cả nhóm chạy theo xe để xin cho được tờ chương trình hay còn gọi là tờ ram, nhưng ít khi được người phát cho bởi số lượng có hạn và cũng nhắm nhìn mấy đứa nhóc này không làm nên trò trống gì, chỉ uổng tờ giấy. Hai xấp giấy được xếp trên thanh ngang tay lái của người đạp xe, mỗi lần phát một tờ cho người đi ngang hay đưa cùng lúc ba bốn tờ cho nhóm người đứng bên vệ đường. Có khi phải chạy theo một quãng thật xa và nói láo là xin về cho ba má đi xem, chúng tôi mới được một tờ. Ngày nào cũng thế, cứ đến tầm 9 giờ sáng là tiếng trống chiêng rộn rã bên bờ bắc bến sông, còn đến chiều tầm 3 giờ là ở phía đối diện bờ nam sông để mọi người cùng biết mà đi xem phim. Ngày đó được đi xem chiếu bóng là một niềm hạnh phúc của cả gia đình và của từng người, bởi không phải lúc nào cũng có điều kiện để đi xem. Phải nghe được quảng cáo có phim hay, phải đọc được chương trình hoặc do có người đi xem xong về nói lại. Rồi phải bàn bạc trong gia đình, ai được đi, ai phải ở nhà, hay là đi hết cả nhà nhưng phải chia theo nhóm, hôm nay nhóm này mai nhóm kia. Đi xem một lần phim là có bao gồm cả ăn uống và dạo phố dưới ánh đèn đêm nữa nên cứ nghe được xem phim là ai cũng háo hức, nhất là bọn trẻ chúng tôi. Và những lần được đi xem phim đó, được thả hồn theo trí tưởng tượng riêng của mình, được tận mắt thấy được những hình ảnh lạ lùng, đẹp đẽ, vẫn còn để lại nhiều ấn tượng trong tim những đứa trẻ con như chúng tôi thời đó. Cho đến tận bây giờ, với cách tiếp cận mới, cách xem phim mới, phương tiện hiện đại, kỹ thuật tân kỳ, hình ảnh màu đẹp, hấp dẫn người đến rạp nhiều hơn. Muốn đi hồi nào là đi, đi tự do không gò bó cùng gia đình như trước, cũng như  khi mới quen người bạn tâm tình, mà mời được người bạn gái đi xem phim thì xem như chuyện tình đã đánh dấu.

Phim chiếu rạp thường vào lúc 8 giờ tối, ăn cơm chiều xong là mọi người đã lục tục sửa soạn để đi đến rạp, phố xá không xa nên thường là đi bộ cả nhà. Trước khi chiếu phim chính khoảng 30 phút, rạp cho chiếu thêm chương trình phim phụ hay chương trình ca nhạc tạp lục cho khán giả xem vui trong lúc chờ đến phim chính. Lâu mới đi xem một lần nên mọi người đều cố gắng đi sớm để có vé tốt và được xem hết chương trình. Ngày ấy xe máy không có nhiều, chỉ toàn là xe đạp. Chỉ những người đi lẻ hay đi cặp mới đạp xe theo, đến rạp thì gửi xe trước sân, còn nếu không thì hai ba người ngồi chung trên một chiếc xích lô, vãn hát tản bộ ra về. Vé bán tại quầy có hai hạng trên và dưới lầu và chia ra hạng người lớn cùng trẻ em. Tờ vé dài có đục lỗ ở giữa, trên vé có in số ghế và hàng ghế ngồi. Người soát vé ở ngoài xé một nửa phần lưu của vé, người xem cầm vé vào trong, lại có thêm mấy người hướng dẫn cầm đèn pin xem vé rồi rọi đèn chỉ cho mọi người đi tới ghế. Cũng không khác gì nhiều so với cách sắp xếp như bây giờ, nhưng ghế ngồi ngày đó không có nệm êm ngồi dựa ngửa mà chỉ toàn là ghế gỗ, có gắn lò xo lật ngược ghế lên khi không có người ngồi, người đến phải lấy tay đè ghế xuống mới ngồi lên được. Cũng bởi vậy, nên khi xem hết phim, đèn sáng mọi người đứng cả dậy, nhiều hàng ghế cả rạp cùng bật lên, lộp bộp, rào rào nghe rất vui tai. Bên ngoài rạp hát có nhiều người bán thức ăn vặt như: kem xốp lạnh, cà rem cây, trái cây xắt lát ngâm nước cam thảo gồm xoài, ổi, cóc gọt sẵn có cắm kim tre làm tay cầm ăn với muối ớt, không hiểu sao thời đó ăn thấy ngon vô cùng. Lịch sự hơn một chút là hạt dưa và đậu phộng nguyên vỏ rang sẵn, gói trong giấy báo vo tròn dài nhọn như cây xăm gạo. Mua ngoài cũng được mà vào trong rạp ngồi cũng có người mang thúng đến mời. Cứ mua rồi ăn vô tư, xả rác thoải mái, không ai bị quở như bây giờ. Phim chiếu ngày đó thường là phim tình cảm hay dã sử của Việt Nam và Ấn Độ, mãi về sau này mới có thêm phim Pháp, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan. Phim có khi được lồng tiếng Việt, có khi chỉ phụ đề chạy chữ trên màn hình. Ngày thường chiếu vào buổi tối, có đêm chiếu hai xuất, người xem đi về hơi khuya nhưng vì thích và mê nên cũng ráng. Chỉ có ngày chủ nhật là chiếu Permanent hay còn gọi là chiếu thường trực suốt từ sáng đến đêm, người xem muốn mua vé vào xem lúc nào cũng được. Nếu rảnh rỗi thì xem chán xong nằm ngũ luôn một giấc, có khi ngủ quên, đèn bật sáng, người kiểm soát đến kêu mới tỉnh dậy ra về. Phim ngày đó khi chiếu đến hết phim thì màn hình sẽ hiện lên chữ HẾT nếu là phim Việt, còn phim nước ngoài thì có chữ END là kết thúc. Có khi sau đó còn thêm màn giới thiệu phim mới ngày mai hay thông báo trên loa phóng thanh. Cái âm thanh đồng loạt rào rào độc đáo của tấm ghế ngồi bằng gỗ bật lên, mỗi khi hết phim đèn bật sáng còn mãi trong tôi đến ngày hôm nay. Bên ngoài rạp, trời mát và đã tối, đèn đường lung linh nhiều màu từ trước mặt rạp, xoay quanh bùng binh ngã bảy Đức Nghĩa. Sáng rực trên đường Gia Long là trục đường chính của phố chợ, nhưng lại hơi mờ mờ về hướng đường Đồng Khánh, Nguyễn Du, hay hướng về Cồn Cỏ, Động Làng Thiềng. Giờ này mà dắt dìu nhau đến ngã tư Quốc Tế, ghé vào mấy xe hủ tiếu, mì hoành thánh, hay mấy tiệm mì quảng, bánh canh, bán khuya ở ven đường chung quanh chợ, ăn một tô rồi uống thêm ly nước mía ép lạnh nữa là không gì hạnh phúc bằng ở thời con nít.

Kỷ niệm lớn nhất trong đời bọn trẻ mới lớn chúng tôi ngày đó là lén đi xem phim cọp, nghĩa là xem trộm phim mà không có tiền mua vé. Rạp Ánh Sáng, ở mặt trước bên hông phía trái, có một con đường hẻm đi vào xóm nhà dân, nằm sát với vách tường rạp hát và cao chừng 2 mét. Bọn chúng tôi cứ đến ngày chủ nhật nghỉ học là rủ nhau canh lúc giờ trưa, để leo tường vào bên trong rạp xem phim. Phải có một đứa hy sinh không được xem phim, bởi nó là người cuối cùng không đứng được trên vai ai để nhảy vào bên trong. Vào được bên trong, phải đi xuyên qua một cánh gà, nơi có người thợ vẽ bảng quảng cáo và hình ảnh diễn viên bằng bột màu nước vôi. Vẽ xong đem trưng bày rồi mang về dùng nước xịt, bàn chải chà cho sạch đem phơi khô rồi tiếp tục vẽ bức khác. Qua được người này tương đối dễ, vì ông chỉ lo vẽ và chăm chăm vào tác phẩm nghệ thuật của mình, ít để ý chung quanh. Nhưng còn một nhân vật khuyết tật bị câm, làm công việc giống như bảo vệ, không gặp người này xem như được xem phim. Còn đứa nào vô phúc bị ông này bắt, thì bị ông đưa đến gần ông thợ vẽ, lấy cây cọ quệt vào nồi màu nước rồi quét hai bên má của người bị bắt, xong dẫn đưa ra cổng chính trước rạp. Tất nhiên phải đi thật nhanh để tìm chỗ có nước rửa mặt, hay cởi áo ra che mặt để mọi người khỏi thấy. Tuy vậy vẫn không ngán, hôm khác chủ nhật lại tiếp tục hên xui. Đó chẳng qua là sự cuốn hút mãnh liệt của chiếu phim đối với lớp trẻ thời đó.

Một thời tuổi nhỏ bềnh bồng, được sống bình yên cùng gia đình ông bà, cha mẹ, anh chị em cùng vui vẻ láng giềng. Tuổi thơ nghịch ngợm nhưng lại đáng yêu, những suy nghĩ cạn cợt với những lỗi lầm không có gì quá đáng. Còn kỷ niệm đã đi qua và in dấu trong đời, trong tim thì sẽ mãi mãi không bao giờ quên. Nhớ một thời vụng dại và thương thật nhiều Phan Thiết tôi xưa.

Nguyễn Phú Trinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoài niệm Phan Thiết xưa