Đối với chương trình khuyến công quốc gia, hai năm gần đây Bộ Công Thương phê duyệt 4 đề án nhóm, 1 đề án riêng lẻ cho Bình Thuận với tổng kinh phí hỗ trợ 3,8 tỷ đồng. Đến nay, đơn vị chức năng của tỉnh đã triển khai hoàn thành các đề án được phê duyệt trong năm 2023: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” của Công ty TNHH Nước mắm Bà Hai và hộ kinh doanh Hoa Sen Phan Thiết (kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng). Tiếp đó là đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” của Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế An Bình và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Covinest (kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng). Kết quả thực hiện cho thấy đã đáp ứng nhu cầu đối tượng được thụ hưởng cũng như yêu cầu của đề án là đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Vì vậy, cũng góp phần tăng năng suất chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến nông - thủy sản, sản phẩm yến của doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
Trong khi đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung” của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Lê được triển khai (có kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng) cũng giúp doanh nghiệp từng bước hiện đại hóa ngành sản xuất gạch không nung. Đồng thời phát huy hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra sản phẩm chất lượng cao với giá thành hợp lý để cung cấp cho thị trường Bình Thuận và các tỉnh lân cận… Riêng trong năm 2024 có 2 đề án nhóm được ngành chức năng của tỉnh đề nghị cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt với kinh phí hỗ trợ là 2,4 tỷ đồng. Tuy nhiên theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công Thương Bình Thuận), hiện các đề án chưa được Bộ Công Thương phê duyệt kinh phí để triển khai thực hiện.
Cùng thời gian tại Bình Thuận, chương trình khuyến công địa phương tiếp tục được UBND tỉnh phê duyệt nhiều đề án và chương trình khác với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2,4 tỷ đồng. Theo đó trong năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã thực hiện đạt 100% kế hoạch đề ra đối với 6 đề án cùng 2 chương trình khác. Còn qua 3 quý đầu năm 2024 cũng triển khai hoàn thành đề án “Tổ chức các khóa đào tạo Nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Vừa qua, “Đề án bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bình Thuận” đã tiến hành chấm điểm, công nhận sản phẩm cấp tỉnh. Đồng thời tiếp tục tham gia bình chọn khu vực phía Nam năm 2024 tại tỉnh Kiên Giang, kết quả: Có 12/30 sản phẩm/bộ sản phẩm của Bình Thuận được công nhận cấp khu vực... Hiện nay, đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm” và đề án “Tổ chức tham gia gian hàng tập trung của tỉnh trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận tại các hội chợ, triển lãm khu vực phía Nam và miền Trung - Tây Nguyên” đang được thực hiện theo tiến độ, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Để thực hiện chương trình khuyến công đạt kết quả và đem lại hiệu quả thiết thực cho đối tượng thụ hưởng thì sau khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt, ngành chức năng đã kịp thời chỉ đạo đơn vị trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cho từng đề án. Dù vậy, ông Trần Vũ Ngoan - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết trong quá trình triển khai nhiệm vụ được giao, hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Theo đó kiến nghị Cục Công Thương địa phương xem xét rút ngắn thời gian thẩm định, trình Bộ Công Thương phê duyệt kế hoạch khuyến công quốc gia hàng năm sớm để triển khai được thuận lợi. Qua đó, kịp thời xúc tiến công tác phối hợp với địa phương và đối tượng thụ hưởng trong việc đầu tư máy móc, thiết bị theo kế hoạch kinh doanh - sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp tại Bình Thuận...