Theo dõi trên

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS tập trung trao đổi về những vấn đề quan trọng toàn cầu

11/06/2024, 21:53

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang diễn ra tại thành phố Nizhny Novgorod của Liên bang Nga trong 2 ngày 10/6 và 11/6.

Thúc đẩy đoàn kết, hòa hợp giữa các thành viên cũ và mới

BRICS hình thành nhằm mang các quốc gia đang phát triển quan trọng nhất đến gần nhau, tạo đối trọng về kinh tế và chính trị với các quốc gia giàu có hơn ở Bắc Mỹ và Tây Âu.

BRICS mở rộng sẽ đại diện cho một nhóm đa dạng các quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau, có chung mong muốn tạo một trật tự toàn cầu cân bằng hơn. Vì là cuộc họp cấp Ngoại trưởng đầu tiên kể từ khi Nhóm BRICS mở rộng kết nạp thêm 6 thành viên mới vào đầu năm nay, tại Hội nghị lần này, BRICS sẽ phải định hình một lộ trình phát triển mới để khẳng định vai trò nổi bật hơn của BRICS trong các vấn đề toàn cầu và tiếng nói của thế giới đang phát triển phải được lắng nghe nhiều hơn.

iran_nop_don_xin_gia_nhap_brics.jpg

Ảnh minh họa: Sputnik

Lộ trình đó bao gồm những nỗ lực chung nhằm tăng cường tính đa phương trong quan hệ quốc tế, xây dựng các cơ chế hợp tác giữa các quốc gia BRICS trong khuôn khổ liên minh và trên các diễn đàn quốc tế, các định dạng đối thoại BRICS+ để tiếp xúc với những đối tác không thuộc khối.

Bên cạnh đó là tăng cường phối hợp trong các vấn đề toàn cầu quan trọng, bao gồm hợp tác trong các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, G20 và Tổ chức Thương mại Thế giới; hợp tác chống khủng bố, chống tham nhũng, chống buôn bán ma túy và an toàn thông tin quốc tế. Điều quan trọng trước mắt là phải đảm bảo hòa nhập cho những nước mới gia nhập.

Tỉ trọng chung của các quốc gia thành viên BRICS trong nền kinh tế toàn cầu là khoảng 59.000 tỉ USD. Các quốc gia BRICS chiếm 36% diện tích đất đai trên Trái đất, 45% dân số thế giới. Tại Hội nghị lần này, BRICS sẽ tập trung bàn thảo giải pháp thúc đẩy một trật tự toàn cầu nhằm phản ánh tốt hơn lợi ích và ảnh hưởng ngày càng tăng của khối.

Tình hình căng thẳng toàn cầu gia tăng do cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã thôi thúc BRICS củng cố khối, dù có thông tin đã xảy ra chia rẽ trong nội bộ và thiếu tầm nhìn cho việc mở rộng.

Việc mở rộng BRICS còn nhiều tranh cãi. Nga và Trung Quốc muốn kết nạp thêm các thành viên mới và Nam Phi cũng ủng hộ. Trong khi đó, Ấn Độ lo ngại việc mở rộng quá nhanh chóng sẽ gây căng thẳng tại khu vực. Còn Brazil cho rằng BRICS đang phát triển sẽ làm giảm ảnh hưởng của nước này.

Có thể thấy ý kiến của các thành viên BRICS chưa thật sự thống nhất và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội nghị Ngoại trưởng BRICS lần này là tăng cường sự đoàn kết, hòa hợp và tìm ra tiếng nói chung của tất cả các thành viên cả cũ và mới.

Định hướng của Nga trong vai trò Chủ tịch BRICS

Trong vai trò Chủ tịch BRICS, Nga đang tìm cách đảm bảo tính liên tục thông qua tiếp nối những nỗ lực của chủ tịch tiền nhiệm, Nam Phi, và cùng với các đối tác thúc đẩy hợp tác đa phương theo 3 hướng chính: chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ sử dụng vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS để gia tăng vai trò của tổ chức này trong hệ thống tài chính quốc tế, phát triển hợp tác giữa các ngân hàng và mở rộng sử dụng các đồng tiền trong BRICS, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thuế và hải quan.

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên của Nhóm BRICS, Nga sẽ cố gắng hết sức để thúc đẩy hợp tác trong nhóm. Nga cũng sẽ thực hiện phương châm “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng, tập trung vào hợp tác tích cực và mang tính xây dựng”.

Các ưu tiên bao gồm thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ cao, y tế, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể thao, giao lưu thanh niên... Bên cạnh đó, Nga sẽ đưa ra những phản ứng hiệu quả trước những thách thức và mối đe dọa đối với an ninh và sự ổn định của quốc tế và khu vực.

Trong điều kiện BRICS đã và đang mở rộng, Nga sẽ nâng cao vị thế và tiếng nói của mình bằng một kế hoạch rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập hài hòa của những quốc gia thành viên mới trong mọi lĩnh vực.

Nga đang đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của nhóm BRICS. Dưới sự giám sát của Nga, BRICS sẽ tổ chức hơn 200 sự kiện bao trùm nhiều vấn đề. Trong đó, sự kiện quan trọng nhất sẽ là Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức vào tháng 10 tới ở Kazan, Tatarstan thuộc vùng Volga của Nga.

Khả năng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS?

BRICS hiện đang xem xét khoảng 40 đơn đăng ký từ nhiều quốc gia khác nhau, đề xuất thiết lập các hình thức hợp tác khác nhau. Điều này cho thấy một làn sóng quan tâm mới đến việc gia nhập BRICS. Và đây sẽ là một trong những nội dung trọng tâm của Hội nghị Ngoại trưởng lần này.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra ý tưởng về việc gia nhập BRICS trong năm Nga làm chủ tịch luân phiên của nhóm, điều này có thể được coi là một động thái chính trị đối với Mỹ và EU, nhằm nâng cao vị thế trong cuộc chơi lớn với phương Tây.

Giới chuyên gia khu vực cho rằng, điều này mang đến một điểm hấp dẫn cho cuộc tranh luận chưa kết thúc về các tiêu chí kết nạp thành viên trong tương lai. Không giống như các thành viên hoặc ứng viên tiềm năng khác, Thổ Nhĩ Kỳ được tích hợp chặt chẽ hơn nhiều vào cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương. Quốc gia này là một trong những nhân tố quan trọng của NATO, cũng được coi là một đối tác quan trọng trong EU.

Mong muốn gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quyết định bộc phát, mà các cuộc thảo luận về vấn đề này được xúc tiến trong nhiều năm qua. Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra không hài lòng với các chính sách của EU trong một thời gian dài khi tổ chức này liên tục từ chối mong muốn gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vì những vấn đề nhân quyền, hay những khác biệt trong chính sách đối ngoại. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải chuyển hướng sang BRICS như một phương án thay thế; đồng thời, phát đi thông điệp khẳng định nước này sẵn sàng thực hiện chính sách độc lập với phương Tây.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia nhập BRICS bộc lộ những rạn nứt trong quan hệ đồng minh giữa nước này với các nước phương Tây và điều này sẽ khiến các nước phương Tây không hài lòng. Việc Ankara ngày càng “xích lại” gần Nga, Trung Quốc, những quốc gia luôn bị phương Tây coi là “đối thủ cạnh tranh” hàng đầu, rõ ràng đi ngược lại lợi ích của các nước phương Tây.

Thông qua việc gia nhập BRICS, Thổ Nhĩ Kỳ muốn nâng cao vị thế quốc tế của mình ở khu vực, cũng như trên thế giới, đồng thời khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại rộng lớn với các nước thành viên BRICS. Hiện nay, trong BRICS, nhiều quốc gia thành viên là những đối tác truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, như Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia...

Tuy nhiên, trở ngại chính đối với việc gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ chính là tư cách thành viên NATO của nước này. Bởi lẽ, BRICS là tổ chức bao gồm các quốc gia độc lập và không thuộc các liên minh hoặc các tổ chức có hệ thống phân cấp chặt chẽ. Những quy chế đồng minh trong NATO của Ankara nhiều khả năng sẽ khiến các nước BRICS e ngại.

Phát biểu hôm 4/6, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng Nga hoan nghênh mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Tuy nhiên, ông Peskov lưu ý rằng BRICS có thể không đáp ứng được đầy đủ lợi ích của tất cả các quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập.

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng lưu ý rằng cánh cửa của BRICS luôn chào đón đại diện của “các hệ thống kinh tế, chính trị và khu vực. Điều kiện duy nhất để gia nhập nhóm là các nước thành viên tuân thủ nguyên tắc then chốt về bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia - điều vốn không có tại các liên minh chính trị hoặc quân sự của phương Tây”.

Thời gian tới, sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là rất lớn và cộng đồng quốc tế sẽ đặc biệt quan tâm đến phản ứng của Mỹ và đồng minh châu Âu nếu Thổ Nhĩ Kỳ chính thức gia nhập BRICS.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đức không tổ chức bầu cử sớm bất chấp kết quả bầu Nghị viện châu Âu
Kết quả sơ bộ cho thấy liên minh cầm quyền của Thủ tướng Scholz đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử EP khi cả 3 đảng trong chính phủ đều thua phe bảo thủ và cực hữu.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS tập trung trao đổi về những vấn đề quan trọng toàn cầu