Trong buổi sáng, hội nghị đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo của UBND tỉnh và Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020; sử dụng dự phòng ngân sách, tạm ứng ngân sách và dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021; Báo cáo của UBND tỉnh và Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh 5 năm (2016-2020) và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2021-2025). Theo đó, năm 2020 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội và đạt kết quả tích cực. Kinh tế giữ được sự tăng trưởng; tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh cao hơn mức bình quân cả nước (đạt 4,5%); sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng; 16/16 sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng so năm 2019. Hoạt động thương mại dịch vụ ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Thu ngân sách đạt hơn 9.400 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt hơn 94% dự toán. Chất lượng giáo dục toàn diện trong năm học 2019-2020 tiếp tục được nâng lên, các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội cho nhân dân được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác quân sự quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững; tai nạn giao thông đường bộ giảm trên cả 3 tiêu chí.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đề xuất các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo, như: cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai và xem xét thu hồi, xử lý nghiêm các dự án không phép, trái phép; tăng cường các giải pháp tăng thu ngân sách… Các đại biểu cũng biểu quyết thống nhất thông qua các báo cáo, tờ trình.
Trong phiên làm việc buổi chiều, hội nghị cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2016-2020 và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Cụ thể, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã phân khai đạt hơn 115% kế hoạch Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Việc phân bổ vốn đầu tư công đảm bảo bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh; đồng thời nguồn vốn được sử dụng ngày càng hiệu quả hướng vào trọng tâm, trọng điểm, có khả năng cân đối và phù hợp với khả năng giải ngân của từng dự án, nhờ vậy nhiều công trình, dự án trọng điểm, bức xúc của tỉnh được đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng hiệu quả. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 hơn 13 ngàn tỷ đồng.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: 5 năm qua có thể khẳng định là giai đoạn mà Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; đặc biệt giai đoạn 2018 – 2019, có sự phát triển đột phá. Lĩnh vực công nghiệp có sự tăng trưởng nhanh, du lịch dần trở thành kinh tế mũi nhọn, nông nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, dần mang vóc dáng nông nghiệp hiện đại. Hạ tầng được đầu tư, các thành phần kinh tế phát triển, đóng góp vào GRDP và thu ngân sách. Riêng trong năm 2020 dù chịu tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của nắng hạn hán kéo dài, ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 song nền kinh tế của tỉnh vẫn đạt tăng trưởng GRDP 4,5% cao hơn mức bình quân chung của cả nước, thu ngân sách nhà nước đạt 93, 99% dự toán. Có thể nói, đây là kết quả rất tốt trong bối cảnh cả năm 2020 và so sánh với các địa phương khác. Tuy nhiên, trên thực tế Bình Thuận còn nhiều hạn chế; trong các tờ trình đã nêu rõ, chúng ta có những khó khăn do các yếu tố khách quan, quá trình giải quyết cần thời gian nhưng cũng có hạn chế chủ quan cần khắc phục đó là cải cách hành chính, là năng lực cạnh tranh và công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ rừng, chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, năm 2021 và 5 năm tới là giai đoạn có nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển. Đó là đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua Phan Thiết được khởi công sẽ tháo gỡ nút thắt với giao thông bên ngoài. Không những thế, qua làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, đã ủng hộ Bình Thuận 3 dự án giao thông mới đó là, nâng cấp mở rộng đường 719B, làm mới đường 719; đường Kê Gà – Tân Thiện. Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đầu tư nâng cấp quốc lộ 28B, sân bay Phan Thiết đang được Chính phủ chỉ đạo giải quyết những vướng mắc và sớm triển khai xây dựng; hồ Sông Lũy sắp hoàn thành, hồ Kapet đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ ủy quyền cho tỉnh làm chủ đầu tư. Khu du lịch Quốc gia Mũi Né được Chính phủ phê duyệt là Khu du lịch Quốc gia; nhiều dự án mới, quy mô lớn đăng kí đầu tư. Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp phải nỗ lực nhiều hơn nữa; đoàn kết, cầu thị, nhận thức rõ yếu kém để sửa chữa, nghiên cứu hạn chế để khắc phục. Thành công không tự mãn mà phải tiếp tục phát huy để không được thụt lùi.
Thanh Nhàn – Ngọc Lân