Theo báo cáo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua đã phối hợp với Hội Nông dân tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giúp nông dân và các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, nhất là sản phẩm nông - hải sản, thủ công mỹ nghệ... Hỗ trợ thông tin định hướng thị trường, giá cả hàng hóa cho nông dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả thực hiện các mô hình thí điểm đối với thanh long và cao su đã góp phần làm cho các chủ thể tham gia mô hình nâng cao nhận thức, ý thức việc mua bán sản phẩm thông qua hợp đồng là cần thiết, hạn chế tình trạng ép cấp, ép giá đối với người sản xuất. Đối với hoạt động khuyến công, cũng đã đầu tư máy móc thiết bị, hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Qua đó góp phần khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Tuy nhiên, các doanh nghiệp địa phương phần lớn có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại thấp nên việc phối hợp, hỗ trợ giữa Hội Nông dân và các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác còn một số hạn chế... Ông Phan Tấn Khế - Chủ tịch Hội Nông dân nhìn nhận, từ 2013 đến nay Sở đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề tài về lĩnh vực của ngành, nhất là trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra, đưa hàng Việt về nông thôn. Về lâu dài, Hội Nông dân sẽ tiếp tục là cầu nối, mở ra thêm nhiều mối quan hệ giữa nôngnghiệp, nông dân và nông thôn, để người nông dân sẽ là những chủ thể được thụ hưởng quyền lợi trong những chương trình này.
Q. Nhân