Bà Nguyễn Lan Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải nhất cho tác giả Trương Việt An – lớp 6A10 Trường THCS Nguyễn Trãi. |
Qua 5 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 4.008 bức tranh, trong đó 1.699 tranh của học sinh bậc tiểu học và 2.309 tranh của học sinh THCS, thuộc 38 trường trên địa bàn tỉnh. Sau quá trình tuyển chọn, Ban giám khảo là các họa sĩ, nhà điêu khắc chọn được 52 tác phẩm vào vòng trong.
Ông Trần Văn Dũng – Phó trưởng Ban quản lý di tích tháp Pô Sah Inư cho biết: Các tranh dự thi năm nay thể hiện đúng chủ đề đặt ra và được trình bày hết sức mộc mạc, hồn nhiên dưới mọi góc nhìn về di sản văn hóa địa phương như di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Cùng với đó chất liệu được các em lựa chọn đa dạng như chì màu, sáp, bột nước, sơn dầu và các loại cát, hạt gạo, hạt đậu… tô thêm nét sinh động, độc đáo cho sản phẩm. Đáng chú ý nhiều trường học rất quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn học sinh vẽ tranh dự thi, đơn cử Trường tiểu học Liên Hương 3 có 365 tranh, Trường THCS Lê Văn Tám (Tuy Phong) có 1.080 tranh. Có 2 trường có nhiều tranh đạt giải là tiểu học Bình Hưng (15 giải) và THCS Trần Phú (8 giải). TP. Phan Thiết là địa phương có nhiều trường tham gia nhất (12 trường).
Học sinh và giáo viên tham quan khu trưng bày tranh. |
Qua từng nét vẽ, mảng màu cho thấy các em đều có sự đầu tư, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa, trang phục, cũng như đời sống sinh hoạt hằng ngày của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Là ngôi trường tiểu học có số lượng tranh tham gia khá đông và gặt hái kết quả cao hàng năm, thầy Võ Đức Long – giáo viên mỹ thuật Trường tiểu học Bình Hưng nhận xét: Hội thi sáng tác tranh là hoạt động văn hóa mang lại nhiều giá trị và ý nghĩa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, kích thích trí tuệ, tư duy sáng tạo, định hướng thẩm mỹ cho các em học sinh về di sản văn hóa tỉnh nhà. Qua đó thể hiện sự quan tâm, phối hợp giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch với ngành giáo dục và đào tạo trong việc đưa di sản văn hóa địa phương vào trường học, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Tác giả Bùi Bảo Ngọc – Trường tiểu học Bình Hưng bên tác phẩm đạt giải nhất. |
Điều đặc biệt là 2 giải nhất bậc tiểu học và THCS năm nay đều vẽ về chân dung nhân vật đó là tác phẩm “Cụ ông người Chăm”, tác giả Bùi Bảo Ngọc – Trường tiểu học Bình Hưng và tác phẩm “Cô gái Chăm” của Trương Việt An – lớp 6A10 Trường THCS Nguyễn Trãi.
Ngoài ra Ban tổ chức còn trao 4 giải nhì, 6 giải ba và 40 giải khuyến khích cho cả hai cấp học. Những tác phẩm đạt giải sẽ được đơn vị đưa vào trưng bày phục vụ du khách đến tham quan, thưởng lãm tại di tích tháp Pô Sah Inư, góp phần quảng bá, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, hình ảnh và con người Bình Thuận đến công chúng.
Thùy Linh