Được biết, di sản độc đáo này ra quy định cấm phụ nữ đặt chân đến và những người đàn ông đến đây phải tắm trần ngoài biển trước khi vào viếng ngôi đền linh thiêng trên đảo, đền Okitsugu. Theo luật lệ truyền thống đã được duy trì từ nhiều thế kỷ, đảo Okinoshima vẫn đang được cai quản bởi một tu sĩ đạo Shinto, tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc Nhật Bản. Cũng theo quy định có từ lâu đời, số người được phép viếng thăm hòn đảo này để tham dự một nghi lễ truyền thống hàng năm cũng được giới hạn cụ thể, mà năm nay là 200 người. Nghi lễ này kéo dài đúng 2 giờ đồng hồ, tất cả những người đến tham dự đều phải trải qua nghi thức tẩy trần bằng việc tắm gội bằng nước biển trước khi bước chân vào đền, và điều quan trọng nhất, họ phải là đàn ông.
Dù được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới, một sự kiện có thể khiến hòn đảo thu hút sự chú ý của nhiều du khách, nhưng những người trông coi ngôi đền này vẫn đang cân nhắc đưa ra quy định mới cấm tất cả mọi người lên đảo, ngoại trừ các tu sĩ, những người ở lại đền để cầu nguyện suốt 365 ngày trong năm. Họ lo ngại hòn đảo nhỏ bé này sẽ “bị phá hoại” khi có quá nhiều người đến tham quan.
Quy định cấm phụ nữ hoàn toàn không mang tính chất phân biệt đối xử, một trong số những tu sĩ ở đây giải thích, mà chủ yếu vì lý do nguy hiểm cho phái yếu khi họ phải vượt biển để đến được đảo Okinoshima. Theo đó, quy định có từ thời xa xưa này được đưa ra nhằm bảo vệ phụ nữ, những người có vai trò sinh sản và duy trì nòi giống.
Tọa lạc ở ngoài khơi phía Tây Bắc đảo Kyushu, một trong 4 đảo chính của Nhật Bản, đảo Okinoshima có vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại thương ở Nhật từ thời trung cổ, hình thành nên một phần trong truyến giao thương kết nối với khu vực bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc.
Hàng ngàn chiếc nhẫn vàng cùng nhiều vật phẩm có giá trị khác đã được tìm thấy ở Okinoshima. Những món đồ này do các thương nhân ghé lại dâng cúng để cầu nguyện bình an cho chuyến hành trình trên biển.
Phương Lan (Theo Shanghaidaily)