Theo dõi trên

Hợp tác phát triển các KCN: Thu hút doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Thuận

05/11/2024, 05:22

Chương trình hợp tác phát triển các khu công nghiệp (KCN) giữa Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh với Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đang hướng đến hỗ trợ khai thác tiềm năng, lợi thế của 2 địa phương…

Hỗ trợ để phát triển

Xúc tiến hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội, chương trình hợp tác giữa Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh với Ban Quản lý các KCN Bình Thuận tiếp tục được ký kết vào đầu năm 2021. Qua triển khai thực hiện đã từng bước tạo sự gắn kết hai Ban Quản lý, đồng thời là cầu nối giữa chủ đầu tư hạ tầng cũng như doanh nghiệp thứ cấp tại địa phương.

hinh-kcn-hk1.jpg
KCN Hàm Kiệm trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (Ảnh minh họa).

Cụ thể trong thời gian qua, 2 Ban Quản lý đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, giới thiệu doanh nghiệp từ các khu chế xuất, KCN tại TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu mở rộng đầu tư vào KCN trên địa bàn Bình Thuận. Đặc biệt là mời gọi trường hợp doanh nghiệp đầu tư lâu năm tại TP. Hồ Chí Minh nhưng đến nay không còn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố để nghiên cứu di dời về tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ. Trong đó có kết nối giới thiệu Khu chế xuất Linh Trung, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất Vĩnh Lộc gặp gỡ, trao đổi với KCN Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II… nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư và dịch chuyển cơ sở sản xuất có nhu cầu mở rộng hoặc di dời về Bình Thuận.

Đánh giá kết quả thực hiện, ông Phùng Hữu Cư - Trưởng Ban quản lý các KCN Bình Thuận cho rằng nhìn chung chương trình hợp tác giữa hai Ban Quản lý cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Tính đến nay, các KCN Bình Thuận đã thu hút 20 dự án do các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh đăng ký với tổng vốn đầu tư hơn 1.620 tỷ đồng. So tổng số dự án thu hút đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh thì các dự án có vốn từ TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ gần 1/4 (với 20/87 dự án), trong khi vốn đầu tư chiếm 7,39%... Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng bởi không có sự dịch chuyển nhiều từ các doanh nghiệp trong khu chế xuất, KCN thành phố đến Bình Thuận. Bên cạnh đó cũng chưa hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa từ doanh nghiệp thành phố sang các doanh nghiệp Bình Thuận và ngược lại. Hay như nhiều tiềm năng về nguồn lực, khoa học kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm quản lý của các doanh nghiệp thành phố và tiềm năng, nguồn lực về đất đai, lao động tại Bình Thuận vẫn chưa được khai thác hiệu quả…

Thu hút về Bình Thuận

Tại Hội nghị sơ kết chương trình hợp tác vừa được tổ chức tại TP. Phan Thiết vào cuối tháng 10/2024, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng trao đổi về vấn đề này. Theo đó cho biết TP. Hồ Chí Minh có 3 khu chế xuất, 14 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 3.900 ha, hiện thu hút 1.723 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký tương đương 13,643 tỷ USD. Dù vậy đến năm 2041 và những năm tiếp theo, tại đây sẽ có một số khu chế xuất, KCN bắt đầu hết thời hạn 50 năm thuê đất của Nhà nước. Do vùng không gian xung quanh hiện rất đông dân cư và là các đô thị phát triển, thế nên thành phố định hướng chỉ giữ lại tối đa diện tích đất công nghiệp tại các khu chế xuất, KCN hiện hữu để tiếp tục quy hoạch phát triển công nghiệp. Nhưng sẽ tập trung tái cơ cấu các ngành theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh và tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, giảm thâm dụng đất đai do quỹ đất công nghiệp ở đây rất hạn chế.

Trong khi đó, đến nay Bình Thuận đã hình thành 9 KCN với tổng diện tích trên 3.000 ha, sắp tới còn được xem xét đầu tư, mở rộng thêm một số KCN tiềm năng và khu kinh tế ven biển. Thêm yếu tố thuận lợi nữa là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn Bình Thuận đưa vào sử dụng đã tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đối ngoại. Qua đó kết nối địa phương với các vùng miền trong cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà “đầu tàu” là TP. Hồ Chí Minh, nhờ vậy giúp các KCN Bình Thuận có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới…

Những tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận còn tạo động lực tăng trưởng cho các KCN tại địa phương trên lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, chế biến nông - lâm - thủy sản. Cùng với đó góp phần tạo điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ và logistics gắn với hoạt động khai thác cảng biển, đặc biệt là thu hút các dự án điện khí, đầu tư xây dựng mới KCN, khu kinh tế trong giai đoạn mới… Vì vậy tới đây, chương trình hợp tác được triển khai tiếp tục đi vào thực chất hơn, tạo được sự đồng hành và là cầu nối giữa 2 Ban Quản lý với các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp. Hướng đến hình thành mô hình KCN sinh thái nhằm tối ưu hóa việc sử dụng, chia sẻ tài nguyên và hợp tác sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Về phía Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận những thông tin về đầu tư và kêu gọi đầu tư, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tra cứu, tham khảo trong trường hợp di dời hoặc đầu tư mở rộng KCN tại Bình Thuận.

QUỐC TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030: Đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng trưởng kinh tế Bình Thuận
Bên cạnh dự kiến kế hoạch năm 2025, Bình Thuận cũng tính đến nhu cầu vốn đầu tư công cho giai đoạn 2026 - 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Nổi bật
Hơn 1,3 triệu đại biểu dự Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
BTO - Sáng 1/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Hội nghị kết nối tới 14.535 điểm cầu trực tuyến với hơn 1,3 triệu đại biểu tham dự.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp tác phát triển các KCN: Thu hút doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Thuận