Theo dõi trên

Huệ Đức -  ngôi chùa cưu mang trẻ mồ côi

20/05/2016, 08:40

BT- Chùa  Huệ Đức ở xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, từ lâu  trở nên nổi tiếng vì là nơi  cưu mang những em nhỏ mồ côi, bất hạnh.

Có đến tận nơi, mới thấy hết nỗi vất vả, cực nhọc của những người nuôi, đùm bọc trẻ mồ côi nơi đây. Gần 50 trẻ, mỗi em một hoàn cảnh vô cùng đáng thương nhưng đều có một điểm chung là ba mẹ bỏ rơi khi còn rất nhỏ. Bé nhỏ nhất hiện mới một tháng tuổi, thầy trụ trì chùa mới nhận tại Bệnh viện Phan Thiết khi em chào đời. Có em bị mẹ bỏ ngay cổng chùa trong chiếc thùng mì tôm cùng cuộc điện thoại thông báo “Thầy ra cổng mang đứa bé vào nuôi” rồi cúp máy và không bao giờ liên lạc được. Nuôi trẻ nhỏ bình thường  đã vất vả,  nếu trẻ bị bệnh, dị tật không thể ăn uống bình thường được thì càng  nhọc nhằn hơn, người chăm sóc  phải cố gắng bón từng muỗng sữa, muỗng nước cho trẻ. Có em do mẹ nịt bụng quá chặt trong thời gian mang thai nên khi sinh ra, miệng  bị méo, chân tay teo tóp, cân nặng chưa đầy ký rưỡi, khóc ngằn ngặt cả ngày, nên người nuôi gần như gắn bó với trẻ suốt đêm ngày. Hiện nay để chăm sóc 7 trẻ ở  tuổi bú mớm, sư thầy Đồng Khánh trụ trì ngôi chùa, cho hay: “Chùa phải thuê người chăm nom  trẻ. Người chăm ban ngày, người  ban đêm, thay phiên nhau mới đảm bảo sức khỏe”. Còn trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, được thầy thuê hai cô giáo dạy với mức lương gần 6 triệu đồng cho hai người một tháng. Ngoài việc dạy các cháu học hát, chơi trò chơi, các cô còn nấu cho trẻ ăn vào mỗi buổi trưa.

Với trẻ học tiểu học và trung học cơ sở, sáng sáng thầy lái xe chở các em đến trường và trưa lại đón về. Tối tối sau giờ tụng kinh, các cháu học bài,  lớn chỉ bày cho nhỏ làm toán, cùng với việc giảng dạy thêm của thầy.

Thầy Đồng Khánh cho hay: Sự nhọc nhằn của chùa đã được đền đáp khi nhiều em mồ côi lớn lên tại  chùa đã có việc làm ổn định. Hiện có 5 em học xong nghề nấu ăn, đang làm ở các nhà hàng ở thành phố, 3 em có bằng lái xe cũng đã đi làm. Riêng em Nguyễn Thị Thuận hiện là sinh viên  Đại học Khoa học xã hội nhân văn vừa đi học, vừa dạy kèm để lấy tiền trang trải cuộc sống, thầy chỉ giúp đỡ một phần học phí cho em.

Bà Phan Thị Huệ, người phục vụ nơi đây kể: “Thầy thường xuyên thăm các phòng ăn, ở của bọn trẻ để biết trẻ ăn có ngon miệng. Những ngày nắng nóng như hôm nay, gần như thầy không ngủ trưa để bơm nước lên mái nhà làm dịu bớt cái nóng cho trẻ. Thầy dặn chúng tôi: Bọn trẻ đã thiệt thòi vì thiếu vắng tình thương của người thân nên mọi người phải cố gắng bù đắp cho các em phần nào”.

Khi được hỏi, để nuôi gần 50 đứa trẻ mồ côi, phụ giúp các em học nghề, học đại học, còn trả lương cho người làm công (chỉ tính riêng tiền điện, nước một tháng cũng gần 10 triệu đồng) sư trụ trì nói: “Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, sự tài trợ của một số mạnh thường quân và tiền thầy bốc thuốc, châm cứu cho bệnh nhân”. Thầy nói, những năm về trước thầy khám bệnh, bốc thuốc miễn phí nhưng từ khi nuôi trẻ mồ côi, thì thầy thu tiền của người bệnh nhưng số tiền thu không nhiều.

Với số tiền chi  hàng tháng lớn như thế rất cần sự chung tay, góp sức của nhiều người để các em có thêm thức ăn bổ dưỡng trong mỗi bữa ăn.

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Hiểu đúng và thực hiện đúng hai từ “dân chủ”
Dân chủ được hiểu là mọi lợi ích về vật chất và tinh thần mà Đảng và Nhà nước ta đem lại phải phục vụ cuộc sống của nhân dân. Dân chủ còn được thể hiện trong quyền hạn của nhân dân, dân là chủ và thực hiện dân chủ là cần thiết, qua đó góp phần thúc đẩy cho sự phát triển… Song không vì lợi dụng hai từ “dân chủ” để áp đặt những mục đích làm phương hại lợi ích quốc gia, tổn hại đến mục tiêu phát triển của đất nước.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huệ Đức -  ngôi chùa cưu mang trẻ mồ côi