Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác người cao tuổi, thể hiện qua việc ban hành nhiều văn bản, chính sách chăm lo người cao tuổi. Văn bản pháp luật cao nhất là Luật Người cao tuổi quy định quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi. Ở tỉnh Bình Thuận cũng rất quan tâm đến công tác người cao tuổi; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch trợ giúp người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013 – 2020; chỉ đạo đẩy mạnh Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, các sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện, hàng năm đều có những hành động thiết thực chăm sóc người cao tuổi, mừng thọ cho những cụ cao niên. Cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, trong từng gia đình, con cháu cũng đã phụng dưỡng, chăm lo người cao tuổi - là ông bà, cha mẹ mình trong tình yêu thương và sự kính trọng. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội cũng đã tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí điều trị bệnh cho người cao tuổi; hỗ trợ kinh phí phụng dưỡng người già, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc, tàn tật. Nhờ đó mà người cao tuổi ở nước ta nói chung và ở tỉnh ta nói riêng sống vui, sống khỏe, sống lâu và sống có ích. Minh chứng cụ thể là tuổi thọ bình quân trên địa bàn tỉnh ta đã tăng từ 71 tuổi (năm 2005) lên 73 tuổi (năm 2015); nhiều cụ thọ trên 90 tuổi, toàn tỉnh hiện có gần 1.260 cụ trên 90 tuổi, trong đó có 120 cụ từ 100 tuổi trở lên…
Tuy vậy, cuộc sống của số đông người cao tuổi vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả; đâu đó vẫn còn những trường hợp “đắng lòng”. Nhiều cụ tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn còn phải lam lũ làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Theo báo cáo của Ban công tác người cao tuổi tỉnh, cuối năm 2015 có hơn 34.400 hội viên người cao tuổi trong tổng số 96.000 người cao tuổi toàn tỉnh còn trực tiếp sản xuất. Rồi trên các phương tiện thông tin đại chúng, được nghe, được biết vẫn còn đó không ít cụ cao tuổi bị con cái hắt hủi, thậm chí đánh đập, đuổi ra khỏi nhà; nuôi cha mẹ “kể tháng, kể ngày”; chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ còn tính toán thiệt hơn… Và nữa, tuổi già khó tránh được bệnh tật, nhất là các bệnh của người già và nhiều bệnh phải có nhiều tiền mới chữa trị được. Nhưng người già lấy đâu ra tiền, thành ra phải nhờ các bệnh viện nhà nước, các tổ chức, các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội giúp đỡ…
Vì vậy, để người cao tuổi đỡ tủi thân, cô đơn và được chăm sóc chu đáo hơn, đòi hỏi phải có trách nhiệm từ nhiều phía. Phía Đảng và Nhà nước phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung các chính sách chăm sóc người cao tuổi nhằm phát huy kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và lòng nhiệt huyết sẵn có của người cao tuổi, xem người cao tuổi là nguồn lực cho sự phát triển hưng thịnh của đất nước và xã hội. Về phía gia đình, con cháu phải phụng dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ chu đáo, trọn nghĩa, vẹn tình, đúng đạo làm con, làm cháu. Về phía xã hội phải xem người cao tuổi là cái gốc, vốn quý của xã hội; do đó phải có nghĩa vụ cùng Đảng, Nhà nước lo cho người cao tuổi với tất cả khả năng có được để người già không phải cô đơn, yếu thế, dễ bị tổn thương; lên án mạnh mẽ những hành vi ngược đãi người cao tuổi; toàn xã hội phải kính người già, “kính già, già để tuổi cho; kính lão, đắc thọ” – đây là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam ta.
HƯƠNG LAM