Liên kết sản xuất – tiêu thụ
Bây giờ, trên cánh đồng xã Đức Bình, lúa đông xuân đang vào cuối mùa thu hoạch nên có thể khẳng định vụ này nông dân vừa được mùa, được giá. Lúa tươi mua tại ruộng đã lên 5.700 – 6.800 đồng/kg, tùy lúa loại nào. Riêng 60 ha lúa của hơn 40 hộ dân nằm trong dự án liên kết sản xuất – tiêu thụ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình thì được mua với giá cao hơn như lúa ST 25 mua tại ruộng là 7.200 đồng/kg, OM 18 là 6.000 đồng/kg.
Theo lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình, giá mua chênh lệch như vậy vì lúa sản xuất theo liên kết với HTX được canh tác theo chuẩn sạch. HTX đã kiểm tra giám sát từng công đoạn từ gieo sạ cho đến thu hoạch nên cho hạt lúa chất lượng. Vụ đông xuân này thêm trúng mùa nên 1 ha, sau khi trừ hết chi phí phân bón, công sức, các nông dân liên kết với HTX được lời từ 25 – 30 triệu đồng.
Đó là lý do diện tích liên kết sản xuất - tiêu thụ của HTX tăng dần theo năm. Từ diện tích ban đầu trong năm 2021 là 40 ha, với sản lượng liên kết/năm là 480 tấn, sang năm 2022, diện tích liên kết trên đã lên 50 ha, với sản lượng liên kết 620 tấn/năm. Và vụ đông xuân này là 60 ha với sản lượng đã đạt 360 tấn/ha, trong khi chuẩn bị bước vào vụ hè thu sớm.
Mối liên kết giữa HTX và hơn 40 hộ dân, vốn hình thành từ năm 2020 xuất phát từ 1 câu chuyện hỗ trợ ban đầu khác của Nhà nước cho nông nghiệp nơi đây và được tiếp nối qua hỗ trợ theo Nghị định 86, đã bền chặt đến giờ. Không chỉ bởi chuyện giá mà còn bởi mối liên kết ấy đã tiếp tục vững khi trải qua thời điểm khó khăn nhất. Đó là 2 năm 2021-2022, thời điểm chưa dứt hẳn dịch Covid - 19 thì đồng thời giá vật tư phân bón tăng cao. Thế nhưng, đó cũng là thời điểm HTX triển khai liên kết sản xuất – tiêu thụ, được xem là hưởng ứng trước Nghị quyết số 86/2019 của HĐND tỉnh về phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bởi trên địa bàn Tánh Linh, theo trình tự thủ tục đã thể hiện đến giữa năm 2022, qua Kế hoạch số 74, mới bắt đầu triển khai với tên gọi “Mở rộng và nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế của huyện gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, giai đoạn 2021-2025”. Sau khi huyện ký kết hợp tác ghi nhớ với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long về chuyển giao khoa học - công nghệ giai đoạn 2021-2025 thì cũng ban hành 3 quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Tánh Linh với 3 dự án khác.
Có nghĩa, câu chuyện liên kết sản xuất – tiêu thụ ở Tánh Linh đã bắt đầu nhộn nhịp hơn. Đó là sự kế thừa trên nền tảng mà Tánh Linh đã gầy dựng suốt các năm qua về xây dựng Cánh đồng lớn rộng hơn 3.000 ha nối liền các xã, thị trấn trong huyện. Và đến thời điểm này, Tánh Linh có 1 con số hãnh diện rằng trong diện tích ấy đã có trên 1.300 ha là vùng lúa chất lượng cao, chiếm 43% trên cánh đồng lớn…Có thể hình dung bên cạnh liên kết sản xuất – tiêu thụ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình là hàng trăm các liên kết khác, tập trung vào tiêu thụ với nội dung không giống nhau nhưng chung quy vẫn là câu chuyện bắt tay giữa bên sản xuất là các nông dân vùng Tánh Linh với bên mua sản phẩm là các HTX, các doanh nghiệp, công ty. Đó là 1 lý do quyết định thu nhập bình quân đầu người ở huyện tăng theo từng năm. Như năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Tánh Linh là 49,068 triệu đồng, là cao so với các huyện nông nghiệp khác trong tỉnh.
Hy vọng từ chìa khóa thu nhập
Cũng trong năm 2022, khi Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 triển khai với nhiều tiểu tiêu chí được thêm mới, nhiều tiểu tiêu chí được nâng chuẩn các chỉ tiêu thì nhiều xã trong huyện, cả xã đã đạt nông thôn mới trước đó bị rớt các tiêu chí. Thế nhưng, tiêu chí thu nhập thì vẫn ổn với tất cả các xã, ngoại trừ La Ngâu, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết năm 2022, thêm niềm tin cho tiêu chí này, khi thị trấn Lạc Tánh, trung tâm của huyện có mức thu nhập bình quân đầu người lên đến 66,516 triệu đồng. Còn các xã khác đều có mức thu nhập bình quân đầu người ngang ngửa nhau, đa số ở mức từ 45 triệu đồng lên 52 triệu đồng, chỉ La Ngâu ở 36 triệu đồng/người/năm.
Thể hiện thêm từ thu nhập này qua tiêu chí về nhà ở dân cư thì Tánh Linh có 10/12 xã đạt chuẩn. Riêng Đức Bình, xã có 1 thôn đồng bào dân tộc thiểu số nên còn nhà tạm. Xã La Ngâu cũng thế. Dựa theo quy định, tiêu chí này bảo đảm 2 nội dung là trên địa bàn không còn nhà tạm, nhà dột nát và có từ 75% hộ dân trở lên có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Cụ thể là đảm bảo “3 cứng” là nền cứng, khung cứng, mái cứng, diện tích nhà ở đạt từ 14 m2/người trở lên, các công trình bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi phải được bố trí đảm bảo vệ sinh, thuận tiện cho sinh hoạt. Vì vậy, không khó hiểu khi tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư được xem là cơ sở đánh giá chuẩn nhất về nâng cao chất lượng đời sống của từng hộ dân, tạo dựng nên diện mạo nông thôn khang trang, đổi mới.
Nếu có một sự so sánh với thời gian 5 - 7 năm trước chứ không dài 40 năm tính từ thời điểm tái lập huyện thì Tánh Linh đã rất khác. Bởi nông thôn ở huyện bây giờ đã mới. Không chỉ thể hiện ở cảnh quan, nhà cửa mà còn thể hiện trong thay đổi nhận thức về chung sức xây dựng hạ tầng nông thôn mới với mức đóng góp tốt. Có nghĩa, về đời sống người dân, Tánh Linh đã cơ bản bền vững. Đặt trong tình hình của huyện, khi các tiêu chí chưa đạt đều xuất phát từ chưa hoàn chỉnh đầu tư hạ tầng thì thu nhập người dân được xem như chìa khóa để đẩy nhanh các tiêu chí khác đạt chuẩn. Đáng chú ý ở chỗ phải khắc phục những vấn đề liên quan đến huy động các nguồn lực đầu tư, sự chậm trễ trong thực hiện các thủ tục, hay cách thực hiện còn lúng túng… Lúc này, hành trình về đích nông thôn mới không phải quá khó với Tánh Linh.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, sau thời gian nỗ lực, qua rà soát đến nay huyện có 9/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Điều trăn trở của huyện hiện nay là nước sạch sinh hoạt, 1 tiểu tiêu chí trong tiêu chí 17, khi yêu cầu phải đạt trên 25% sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung nên Tánh Linh cần đến 104 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng nước sạch. Tiếp đó là hạ tầng giao thông… Nhiệm kỳ 2021-2025, Tánh Linh sẽ về đích huyện nông thôn mới; 2 xã Gia An, Bắc Ruộng đạt xã nông thôn mới nâng cao nên việc dồn sức cho mục tiêu trên là cấp thiết. Theo đó, huyện tiếp tục tháo gỡ khó khăn để phát triển các cụm công nghiệp, nhất là cụm Gia Huynh – Suối Kiết, nhằm tạo việc làm, nâng thêm thu nhập cho người dân. Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, để tiếp tục xây dựng các công trình hạ tầng hoàn chỉnh…