Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo các sở ngành, đơn vị liên quan: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh…
Tham gia trao đổi và góp ý, đa số các ý kiến đều cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) bao gồm 7 chương - 79 điều. Tuy nhiên cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa một số từ ngữ như tại khoản 4 - Điều 3 về giải thích từ ngữ thì ngoài “sản phẩm, hàng hóa” cần thêm “dịch vụ”. Còn tại khoản 2 - Điều 5 về nghĩa vụ của người tiêu dùng cần xem xét chỉnh sửa câu “Tiêu dùng bền vững” cho phù hợp, hoặc tại Điều 8 về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có thể sửa thành “Bảo vệ quyền lợi nhóm người tiêu dùng yếu thế”. Bên cạnh đó cũng có ý kiến góp ý tại khoản 1 - Điều 5 liên quan đến nghĩa vụ của người tiêu dùng, Điều 19 đối với bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, khoản 3 - Điều 23 về hợp đồng theo mẫu…
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hữu Thông cảm ơn tất cả ý kiến góp ý cho dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và mong rằng luật này khi thực thi sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời qua đây cũng mong muốn đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, có thêm ý kiến để Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu, có cơ sở góp ý tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội.