Theo dõi trên

Hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng

03/05/2024, 05:05

Sau 70 năm chiến thắng, Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị lịch sử, những chứng tích hào hùng thể hiện sự kiên cường bất khuất của cả một dân tộc, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh trong công cuộc giành độc lập. Những ngày này, người dân Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng đang hướng về Điện Biên với mong muốn tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc với bao cảm xúc tự hào và trân trọng.

“Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát”

Năm nay đã tròn 90 tuổi, nhưng ông Trình Văn Đạo là thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ (nay ở phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) vẫn mạnh khỏe và minh mẫn. Ông chia sẻ, những ngày này xem thông tin trên báo, đài có các chương trình nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cảm thấy thật xúc động và tự hào. Ông kể, quê ông ở xã Lâm Lợi, huyện Hà Hòa, tỉnh Phú Thọ. Năm 17 tuổi ông cũng như nhiều thanh niên trong làng tình nguyện tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí lên chiến trường Điện Biên. Rồi như chạm vào kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời, ông đã thốt lên những câu thơ trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan thịt nát/Không sờn lòng không tiếc tuổi xuân”.

hyt4.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh thăm ông Trình Văn Đạo.

Đèo “Lũng Lô”, được ông nhắc đi nhắc lại, bởi nơi đấy có rất nhiều kỷ niệm. Rồi ông kể, cung đèo này nằm trên địa phận xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng đã quyết định mở con đường 13A bắt đầu từ Bến Hiên, tỉnh Tuyên Quang, vượt qua Bến Âu Lâu (Yên Bái), qua đèo Lũng Lô tới ngã ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La và nối với đường 41 (nay là QL6). Tổng tuyến đường phải mở dài hơn 120 km, địa hình chủ yếu là núi cao, vực sâu, đi qua 3 con sông lớn là sông Chảy, sông Hồng và sông Đà. Trong đó, đèo Lũng Lô được xác định là một trong những đoạn khó khăn nhất trong củng cố, cải tạo, mở mới tuyến đường bởi một bên là núi cao, một bên là vực sâu nên đèo vừa dốc vừa dài.

Được biết, thực dân Pháp đã ném xuống khu vực đèo Lũng Lô gần 12.000 tấn bom; có những ngày lên tới 200 quả. Tuy nhiên, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, từng đoàn dân công hỏa tuyến với xe thồ, gánh bộ, ngựa thồ, hay sử dụng bè mảng… mang theo vũ khí, lương thực, thuốc men, vượt hàng trăm km đường núi cao, đèo sâu vào mặt trận.

“Dù gian khổ, nguy hiểm, nhưng tôi cũng như các đồng đội của mình vẫn ngày đêm tải lương, tải đạn qua đèo để chi viện cho tiền tuyến. Anh em đi với tinh thần làm sao hàng đến cho nhanh, đảm bảo cho chiến trường có đủ lương thực, ăn no, đánh to, thắng lớn”, ông Đạo nói.

Bình Thuận có 72 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó 52 đồng chí đã hy sinh, từ trần. Khi tham gia chiến dịch, hầu hết các chiến sĩ đều ở độ tuổi thanh xuân 18 đôi mươi. Cả tuổi trẻ của họ đã dành trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương. Hôm nay, những người lính năm xưa, nay mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng những ký ức về Điện Biên Phủ hào hùng năm xưa vẫn luôn sống mãi trong tâm trí họ.

t3.jpg
Chương trình “Em là chiến sĩ nhỏ Điện Biên”.

Nhiều hoạt động hướng về Điện Biên

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam tìm về với cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc với bao cảm xúc tự hào và trân trọng. Những ngày qua, bằng những việc làm thiết thực Bình Thuận đã và đang hướng về Điện Biên Phủ với lòng biết ơn và trân trọng.

Theo đó, hướng về Điện Biên, Nhà Thiếu nhi Bình Thuận đã tổ chức chương trình “Em là chiến sĩ nhỏ Điện Biên” năm 2024. Chương trình thu hút đông các em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh tham gia với nhiều hoạt động, trải nghiệm ý nghĩa: Múa đồng diễn nối vòng tay lớn, chạy đội hình xếp hình ngôi sao trên nền nhạc diễu binh, diễu hành; hoạt cảnh “Hò kéo pháo” tái hiện lại những hiểm nguy, gian nan, vất vả, ý chí kiên cường của bộ đội ta ngày đêm kéo pháo vượt qua dốc núi hiểm trở, chuẩn bị cho các trận địa pháo cùng dân công với những chiếc xe đạp thồ ngày đêm vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực ra chiến trường phục vụ chiến đấu…

Chương trình đã giáo dục truyền thống cho thiếu nhi về vị trí, vai trò, ý nghĩa Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khơi dậy truyền thống yêu nước, lịch sử của quê hương, đất nước, lòng tự tôn dân tộc trong mỗi trái tim các em thiếu nhi vào học tập rèn luyện; góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Cũng trong những ngày này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã tổ chức 13 đoàn cán bộ đến thăm, tặng quà các gia đình chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại các nơi đến thăm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, đời sống thân nhân, gia đình các chiến sĩ Điện Biên. Đồng thời bày tỏ lòng biết ơn trước những cống hiến, hy sinh to lớn của các chiến sĩ Điện Biên, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”. Bên cạnh đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng mong muốn các gia đình chiến sĩ Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực lao động, học tập, gương mẫu chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, góp phần xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Những hoạt động thiết thực trên là món quà tri ân đầy ý nghĩa. Đồng thời khẳng định mạnh mẽ, quyết tâm của thế hệ trẻ hôm nay trong việc tiếp nối truyền thống cha ông, chung tay xây dựng Bình Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Học Bác để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Qua 2 năm tiếp tục thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023 - 2024; các cấp ủy đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01 của Bộ Chính trị gắn kết chặt chẽ với các nghị quyết, quy định của Trung ương về xây dựng Đảng và các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng