Lợi nhuận bất chấp tính mạng
Nhiều năm nay, ngư trường của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong đánh bắt hải sản, nhiều tàu thuyền khai thác hải sản theo phương thức truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế thấp do chi phí nhiều, nên đã xảy ra tình trạng dùng thuốc nổ để đánh bắt hải sản. Họ đã bất chấp các quy định của Nhà nước vì đặt lợi nhuận là trên hết. Bên cạnh đó, nạn giã cào bay sai tuyến cũng “lộng hành” đã gây ra nhiều xung đột với các nghề khai thác truyền thống ở khu vực gần bờ. Nạn giã cào bay sai tuyến còn tận diệt nhiều loài hải sản non và các loại hải sản trong thời kỳ sinh sản ven bờ. Điều đáng nói là nạn nổ mìn đánh bắt hải sản một thời tạm lắng xuống sau đó lại tái diễn. Mặc dù lực lượng chức năng của tỉnh đã có nhiều biện pháp tuần tra, kiểm soát nhưng luôn gặp khó trong việc phát hiện, xử lý.
Tàu thuyền “giã cào bay”. Ảnh: Đ.Hòa
Theo các cơ quan chức năng, việc đánh bắt hải sản bằng chất nổ trái phép không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường mà còn đe dọa tính mạng của ngư dân. Nhiều trường hợp đã tử vong, hoặc bị thương do sử dụng thuốc nổ trái phép. Tại tỉnh ta, có trường hợp thuyền trưởng cũng là chủ một tàu cá ở phường Đức Long, thành phố Phan Thiết thiệt mạng tại vùng biển Phan Thiết do sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản. Vụ nổ trên cũng làm 1 thuyền viên bị thương, tàu cá bị hư hỏng nặng. Có thể nói, đó là lời cảnh báo về sự nguy hiểm khi sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt ngoài khơi. Tuy nhiên, bất chấp những hậu quả có thể xảy ra, nhiều người vẫn sử dụng chất nổ trong quá trình đánh bắt hải sản.
Tăng cường các biện pháp để ngăn chặn
Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai phương án tăng cường quản lý, xử lý thuyền nghề giã cào bay hoạt động trái phép, dùng thuốc nổ để khai thác hải sản trên vùng biển Bình Thuận. Theo đó UBND gửi công văn đến các tỉnh có tàu thuyền giã cào bay hoạt động trên địa bàn tỉnh để phối hợp trong công tác quản lý tàu cá hành nghề giã cào bay. Chỉ đạo triển khai khảo sát và xây dựng phương án chuyển đổi thuyền nghề giã cào bay trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị các cơ quan Trung ương rà soát ban hành thống nhất trên cả nước quy định cấm thuyền nghề giã cào bay hoạt động trong thời gian các loài hải đặc sản sinh sản. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình và đề xuất xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng...
Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 50 vụ giã cào bay vi phạm, đưa hơn 10 trường hợp vi phạm ra khỏi danh sách được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của tỉnh, đặc biệt là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh và thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong cộng đồng ngư dân. Phát động ngư dân thường xuyên giám sát và kịp thời cung cấp thông tin về các trường hợp vi phạm cho chính quyền và cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý. Tổ chức bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình vi phạm, áp dụng linh hoạt các biện pháp, phương pháp tuần tra, kiểm soát trên biển. Xử lý nghiêm và kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm, áp dụng mức phạt tối đa để răn đe, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Trường hợp thuyền trưởng, lao động trên tàu vi phạm đã có hành vi cản trở, chống đối thì chuyển hồ sơ cho các cơ quan tư pháp để xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự. Thực hiện công bố số đăng ký phương tiện, tên chủ tàu, thuyền trưởng của các tàu cá vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng…
PHAN LIÊN