Người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia Erlina Burhan kêu gọi người dân không nên quên tiêm mũi tăng cường, vì càng có nhiều người tiêm liều tăng cường, Indonesia sẽ càng nhanh bước vào giai đoạn coi Covid-19 là căn bệnh đặc hữu.
Hiện độ bao phủ liều tiêm tăng cường ở Indonesia vẫn thấp ở mức 26%. Có một số yêu cầu để Indonesia bước vào giai đoạn coi Covid-19 là căn bệnh đặc hữu bao gồm tỷ lệ lây nhiễm dưới 1%, tỷ lệ người mắc bệnh dưới 5%, tỷ lệ nhập viện dưới 5% và tỷ lệ tử vong dưới 3%.
Ngoài ra người dân cũng cần phải tiêm liều tăng cường để tăng khả năng bảo vệ do hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian. Bà Erlina Burhan khẳng định, đối với những người lớn tuổi, tiêm liều tăng cường thực sự cần thiết và nhóm người này được ưu tiên tiêm liều tăng cường mũi đầu tiên và thứ 2.
Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Hiệp hội Y tế Indonesia khẳng định cần có sự phối hợp của tất cả các cơ quan trong cuộc chiến đối phó với Covid-19, bao gồm lực lượng y tế, chính phủ và các thành phần xã hội khác. Sự phối hợp hiệu quả gần đây đã chứng minh được rằng Covid-19 có thể được giải quyết mặc dù Indonesia vẫn chưa bước vào giai đoạn coi Covid-19 là căn bệnh đặc hữu. Bà Erlina Burhan khẳng định, Indonesia là một trong những nước thành công đối phó với Covid-19, với tỉ lệ lây nhiễm ở mức kiểm soát. Tuy nhiên người dân cần đề phòng bằng việc thực hiện các quy định y tế, trong đó có đeo khẩu trang.
Trước đó, Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 quốc gia cho biết, việc chuẩn bị cho giai đoạn chuyển từ đại dịch sang coi Covid-19 là căn bệnh đặc hữu sẽ bắt đầu tại Indonesia vào đầu năm 2023, tùy theo tình hình kiểm soát dịch trong giai đoạn cuối năm 2022./.