Theo dõi trên

“Kế hoạch nhỏ” - Ý nghĩa lớn

02/01/2023, 05:47

Với phương châm “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ - tùy theo sức của mình”, thời gian qua, các trường học rất chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, ý thức cho mỗi học sinh bằng nhiều mô hình hay, việc làm ý nghĩa nhằm nâng cao ý thức tiết kiệm, yêu lao động, bảo vệ môi trường và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Nhiều mô hình hay, việc làm ý nghĩa

Suốt mấy năm nay, phong trào “Kế hoạch nhỏ” tại Trường THCS Nguyễn Du (huyện Đức Linh) được các đội viên thực hiện bằng việc làm hết sức ý nghĩa. Đó là nhặt, thu gom vỏ chai, vỏ lon để dành tặng bà cụ nhặt ve chai nuôi 3 người con bị bệnh tâm thần. Cụ tên Trần Thị Hạnh, đã gần 70 tuổi, ở cùng các con tại ngôi nhà nhỏ sát nghĩa trang thôn 1, xã Nam Chính. Để giúp cụ có thêm ve chai bán kiếm tiền nuôi các con, Liên đội đã bố trí riêng một thùng nhựa để chứa vỏ chai nhựa, vỏ lon nước ngọt đặt ở sân trường. Hàng ngày, các đội viên thu gom được bỏ vào đây, cứ khoảng 2 ngày cụ tới lấy một lần. Ngoài ra, Liên đội còn tặng quà cho bà cụ nhân các ngày lễ, tết trong năm. Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa không hề nhỏ giúp các đội viên của trường rèn luyện được đức tính tiết kiệm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Ngoài ra, mô hình “Nuôi heo đất” giúp đỡ bạn nghèo, những hoàn cảnh khó khăn cũng là một trong những phong trào của “Kế hoạch nhỏ” được triển khai rộng rãi trong các Liên đội. Heo đất được đặt ở nơi thuận tiện của lớp học, có phân công học sinh quản lý. Hàng tuần, trong tiết sinh hoạt lớp hoặc hàng ngày vào đầu tiết học, học sinh sẽ bỏ tiền tiết kiệm vào heo đất tùy theo khả năng của từng em, không quy định số tiền cụ thể và không bắt buộc. Số tiền tiết kiệm được từ heo đất được các Liên đội sử dụng để giúp đỡ những học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn… Mô hình không chỉ mang ý nghĩa giáo dục tính tiết kiệm, nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh đối với cộng đồng, mà còn là việc làm nhân văn, giúp nhiều học sinh nghèo được đến trường hay những hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để vươn lên trong cuộc sống.

80d4a0f6-8283-440f-b97a-8ead73545aae.jpeg
Đội viên Trường THCS Nguyễn Du thu gom phế liệu giúp cụ bà nhặt ve chai

Đã trở thành hoạt động truyền thống

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã trở thành hoạt động truyền thống tiêu biểu của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Thời gian qua, phong trào “Kế hoạch nhỏ” được Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai trong trường học với từng nội dung cụ thể. Thông qua các hoạt động thiết thực như thu gom vỏ lon, chai nhựa, giấy vụn, nuôi heo đất… để gây quỹ “Kế hoạch nhỏ” được các em đội viên, các chi đội, liên đội tích cực tham gia, thực hiện. Tùy vào tình hình thực tế, các đơn vị có thể phát động đội viên, thiếu nhi lao động như trồng rau, làm các sản phẩm thủ công, làm vệ sinh trong khuôn viên trường học… Ngoài ra, xin hỗ trợ nguồn vật liệu đã qua sử dụng từ các cơ sở khác hay tổ chức cho học sinh tham gia thực hiện các phần việc có thể tạo ra giá trị để góp quỹ... Các trường cũng đã thực hiện nghiêm quy định tuyệt đối không yêu cầu các em thiếu nhi nộp tiền mặt thay cho phế liệu (trừ hình thức nuôi heo đất), không áp đặt chỉ tiêu đóng góp của thiếu nhi, không để thiếu nhi mua giấy vụn, phế liệu bên ngoài, hoặc nộp những sản phẩm không phải phế liệu (giấy trắng, đồ uống chưa sử dụng…). Việc thu gom được tổ chức thường xuyên theo từng học kỳ đảm bảo tính thường xuyên, liên tục của phong trào.

f9ecd61f-e303-482e-aee9-789f28d4c164.jpeg
Liên đội Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bắc Bình trích Quỹ  "Nuôi heo đất" tặng quà cho gia đình chính sách khó khăn

“Kế hoạch nhỏ” đã làm phong phú thêm các hoạt động của đội, tạo không khí thi đua sôi nổi trong đội viên, thiếu nhi. Đồng thời, mang lại nhiều ý nghĩa lớn, thiết thực, kết nối tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ nhau, tạo cho các em thói quen tiết kiệm từ những vật dụng tưởng chừng không còn giá trị. Qua đó, không chỉ giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục việc học mà còn giáo dục được tinh thần, ý thức trách nhiệm cộng đồng, xã hội cho các em học sinh từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

THANH THỦY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo là một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh trong thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Kế hoạch nhỏ” - Ý nghĩa lớn