Theo dõi trên

Kết luận 14 của Bộ Chính trị: “Tấm khiên” bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Bài 2

26/10/2022, 05:19

Làm thế nào để khuyến khích cán bộ đảng viên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ? Kết luận số 14-KL/TW (Kết luận 14) về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà Bộ Chính trị ban hành vào ngày 22/9/2021 chính là điểm tựa.

Bài 2: “Cởi trói” cho sự sáng tạo, bứt phá

Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung ra đời. Cốt lõi của tinh thần Kết luận 14 chính là “khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế...”. Đây là quyết sách rất đúng đắn và kịp thời trong giai đoạn hiện nay.

Động lực

Một thực tế là thời gian qua cả nước nói chung và tại Bình Thuận nói riêng đã có rất nhiều vụ việc sai phạm xảy ra, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cán bộ… Chính vì thế, tinh thần đổi mới, sáng tạo gặp không ít rào cản, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Mặt khác, chưa có khuôn khổ pháp lý để bảo vệ những cán bộ thật sự suy nghĩ, thật sự hành động vì lợi ích của Nhân dân, của Tổ quốc mà “xé rào”, khiến nhiều cán bộ tài năng, tâm huyết bị nhụt chí, họ không dám đổi mới, không dám sáng tạo và cũng không dám xả thân vì lợi ích chung.

Trước những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung ra đời là tất yếu khách quan trở thành điểm tựa vững chắc cho đội ngũ cán bộ. Đây cũng là bước đi cụ thể hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”: dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã tập trung vào những nội dung cơ bản như: Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ; khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung… Kết luận 14 cũng đã nhấn mạnh, việc đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm…

Ngay sau khi Kết luận số 14 được ban hành, các tầng lớp nhân dân, cán bộ đảng viên đã thực sự kỳ vọng vào những nội dung trong kết luận sẽ góp phần giải phóng sức sáng tạo của nhiều cán bộ có tâm, có tài nhưng chưa mạnh dạn đóng góp sức mình trong xây dựng phát triển của địa phương. Mặt khác, tinh thần của kết luận sẽ khắc phục tình trạng ích kỷ cá nhân, cơ hội, lợi ích nhóm, đùn đẩy trách nhiệm; không dám nghĩ, không dám làm, không dám sáng tạo, đổi mới và không dám chịu trách nhiệm khi gặp sai lầm, khuyết điểm…

Không ít cán bộ đảng viên cho biết, việc đổi mới, sáng tạo là một việc khó, việc mới, chưa có tiền lệ nên khi thực hiện có thể kết quả không đạt như mong muốn. Do vậy, Kết luận 14 của Bộ Chính trị về Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có ý nghĩa rất quan trọng. “Những người có tài, thường có những cách làm mới mẻ, có tính chất mở đường, khai phá, tạo ra những đột phá. Việc làm đó tạo ra những lợi nhuận cho cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, quá trình khai phá, mở đường đột phá luôn có những rủi ro nhất định, nên việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 sẽ giúp đội ngũ cán bộ yên tâm hơn”, những cán bộ này nhận định.

Đến hiện thực hóa

Tại Bình Thuận, ngay sau khi có Kết luận số 14, Tỉnh ủy cũng đã ban hành các công văn quán triệt Kết luận số 14 của Bộ Chính trị. Mặt khác, Bình Thuận đã xác định các giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh, có năng lực, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ, không để tỉnh tụt hậu, đi chậm, về sau, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân cũng như yêu cầu của địa phương. Ông Đỗ Thái Dương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận cho biết: Việc đầu tiên là phải quán triệt sâu kỹ chủ trương Kết luận 14 của Bộ Chính trị đến các cán bộ đảng viên để thống nhất nhận thức, hành động. Thứ hai trong thực thi công vụ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng. Những vấn đề phát sinh, còn chưa rõ thì phải bàn thật kỹ, không ra quyết định khi các yếu tố chưa đầy đủ. “Cơ chế bảo vệ cán bộ dám nói, dám làm… thì đã có Kết luận 14 của Trung ương quy định. Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng đội ngũ giỏi về chuyên môn, tinh thông về pháp luật, có thái độ làm việc chuẩn mực, đặc biệt phải am hiểu thực tiễn. Các vấn đề này chỉ có đào tạo bồi dưỡng thường xuyên thì mới có được. Mặt khác, trong cách thức tổ chức thực hiện, cấp ủy, lãnh đạo cơ quan đơn vị chủ động tạo điều kiện thuận lợi, động viên hỗ trợ, cùng phân tích đánh giá, giải quyết các khó khăn, từ đó tạo ra động lực, kích thích anh em, chắp cánh cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, ông Dương chia sẻ thêm.

Chủ trương đã có. Những bước thực hiện cũng đã dần triển khai. Việc còn lại nằm ở yếu tố con người. Trong đó, tinh thần học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn ở mỗi cán bộ đảng viên là vô cùng quan trọng. Bởi yếu tố con người là điểm nghẽn nhưng cũng chính là chìa khóa. Và từ khóa chính là tu dưỡng rèn luyện đạo đức suốt đời. “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Khi đã quét sạch chủ nghĩa cá nhân, với tinh thần cống hiến phụng sự vì lợi ích chung, thì khi đó, cho dù ở đâu, làm gì cũng không sợ hãi.

NGỌC DIỆP - THUỲ TRÂM


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kết luận 14 của Bộ Chính trị: “Tấm khiên" bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Bài 1
Làm thế nào để khuyến khích cán bộ đảng viên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ? Kết luận số 14-KL/TW (Kết luận 14) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung mà Bộ Chính trị ban hành vào ngày 22/9/2021 chính là điểm tựa. Nhưng ngoài chủ trương và giải pháp mà Đảng và Nhà nước triển khai để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, mỗi cán bộ đảng viên cần nêu cao tinh thần học tập tu dưỡng đạo đức cách mạng và năng lực.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết luận 14 của Bộ Chính trị: “Tấm khiên” bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Bài 2