Theo dõi trên

Khả năng thiếu điện trong tháng 4

05/04/2022, 08:29

Tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới nên nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), căn cứ số liệu tổng hợp được cập nhật đến ngày 31/3/2022, tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) thuộc tập đoàn này vẫn đang tiếp tục còn nhiều khó khăn, thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký của các nhà máy. Trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các NMNĐ của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng.

img_0429.jpg
Kho than tại NMNĐ Vĩnh Tân

Do lượng than cung cấp thiếu cũng như tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3 vừa qua nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Cụ thể, các NMNĐ Vĩnh Tân 2 (Công ty nhiệt điện Vĩnh Tân với 2 tổ máy tổng công suất 1.244 MW), Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; NMNĐ Hải Phòng chỉ đủ than vận hành 1 trong 4 tổ máy... Trong khi, NMNĐ Vĩnh Tân 4 với 3 tổ máy, tổng công suất 1.800 MW được EVN phân bổ sản lượng điện sản xuất năm nay là 5,019 tỷ kWh, thấp hơn sản lượng huy động năm trước… Do đó, toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than cho sản xuất điện. Để khắc phục những khó khăn do tình trạng thiếu than sản xuất điện, vừa qua các đơn vị vận hành nguồn và lưới điện của EVN đã có nhiều biện pháp đồng bộ để duy trì vận hành an toàn, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Trong khuôn khổ liên quan, các đơn vị cung cấp than (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc) đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước, nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ hai doanh nghiệp đầu mối hàng đầu này cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong thời gian tới. Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu.

Trong thời gian tới đây, nhất là vào thời điểm nắng nóng kéo dài bởi biến đổi khí hậu vào các tháng 4, 5, 6, 7, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện trong cả nước, đặc biệt là vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ. Để chủ động ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng đến cung cấp điện từ phía người sử dụng điện, EVN kêu gọi người dân và các khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện như: tắt các thiết bị điện không cần thiết, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện vào các giờ cao điểm, sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, góp phần giảm bớt những khó khăn về nguồn điện... Để bù vào nguồn điện đang thiếu hụt trên lưới quốc gia, đương nhiên Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sẽ huy động thêm nguồn năng lượng tái tạo từ các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở vùng Cực Nam Trung bộ như Bình Thuận, Ninh Thuận... Riêng tại Bình Thuận có các dự án đăng ký đã được công nhận vận hành thương mại (COD) vào cuối năm vừa qua như: Nhà máy điện gió Thái Hòa công suất 90 MW tại xã Hòa Thắng, Bắc Bình do Tập đoàn Thái Bình Dương đầu tư; Tân Phú Đông 50 MW, Hồng Phong 1 công suất 40 MW; Phong điện 1 - Bình Thuận (giai đoạn 2) gần 30 MW; Phú Lạc - giai đoạn 2 với 25 MW, Hàm Cường 2 với 20 MW, Thuận Nhiên Phong 19 MW sẽ góp thêm phần năng lượng sạch cho sản xuất, sinh hoạt.

T. KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Điểm tựa” cho hộ nghèo vươn lên
Trong 2 năm qua, giữa lúc khó khăn nhất, nhiều phụ nữ nghèo ở Phú Quý đã được vay vốn để sản xuất kinh doanh từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện. Từ đó giúp họ từng bước ổn định đời sống, khá giả hơn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khả năng thiếu điện trong tháng 4