Theo dõi trên

Khắc phục những hạn chế về Chỉ số PAPI

12/04/2024, 05:05

Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) lần thứ 15 được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam và một số tổ chức trong nước vừa công bố mới đây, năm 2023 Bình Thuận đạt 42,47 điểm, đứng thứ 29/63 tỉnh, thành trong cả nước về Chỉ số PAPI, giảm 22 bậc so năm 2022, nằm trong nhóm trung bình – cao.

Chỉ số PAPI là công cụ đo lường, so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Chỉ số PAPI cấp tỉnh khảo sát đánh giá 63 tỉnh, thành ở 8 chỉ số nội dung với 29 chỉ số nội dung thành phần và 122 chỉ tiêu cụ thể.

papi.jpg

Tại Bình Thuận, năm 2023 PAPI khảo sát tại 12 thôn/khu phố thuộc 6 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: xã Thuận Hòa, thị trấn Ma Lâm thuộc huyện Hàm Thuận Bắc; xã Tiến Thành, phường Đức Thắng thuộc thành phố Phan Thiết; xã Chí Công và thị trấn Liên Hương thuộc huyện Tuy Phong với 240 hộ dân được chọn khảo sát. Theo kết quả công bố Chỉ số PAPI năm 2023, tỉnh Bình Thuận đạt 42,47 điểm - xếp thứ 29/63 tỉnh, thành (giảm 2,07 điểm và giảm 22 bậc so với năm 2022), thuộc nhóm đạt điểm trung bình cao (năm 2022, tỉnh Bình Thuận đạt 44,54/80 điểm - xếp thứ 7/63 tỉnh, thành).

Trong 8 trục nội dung khảo sát, Bình Thuận có 1/8 chỉ số nội dung tăng điểm số và tăng thứ hạng so với năm 2022 là “Quản trị môi trường”; có 7/8 chỉ số nội dung giảm điểm và giảm thứ hạng so với năm 2022 là “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “Thủ tục hành chính công”, “Cung ứng dịch vụ công” và “Quản trị điện tử”.

Nhìn nhận thực tế, trong những năm qua Bình Thuận đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp, nâng cao sự hài lòng của người dân, cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đánh giá trong năm 2023 tỉnh có nhiều chỉ số nội dung giảm điểm và giảm thứ hạng, điều đó cho thấy tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng hết nhu cầu, mong muốn của người dân. Chính vì vậy, để cải thiện, khắc phục những hạn chế qua kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nội dung theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 2992 của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận...

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác công khai minh bạch của cơ quan nhà nước đến tổ chức, cá nhân, nhất là những thông tin liên quan quy hoạch đất đai, xây dựng, thủ tục hành chính, các khoản huy động đóng góp của nhân dân… thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, tham gia xây dựng chính quyền gắn với đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phân tích, đánh giá, đề ra giải pháp, nhiệm vụ cụ thể và tổ chức phân công thực hiện có hiệu quả để khắc phục, cải thiện các chỉ số nội dung thành phần có điểm số và thứ hạng còn thấp so với kết quả chung của cả nước. Ngoài ra, cần nhân rộng các sáng kiến, những cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực trong quản lý nhà nước, gắn với phục vụ nhân dân, góp phần cải thiện, nâng cao sự hài lòng, tín nhiệm của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

NGỌC DIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chỉ số PAPI Bình Thuận năm 2021 vượt 41 bậc: Hiệu quả từ tháo gỡ “điểm nghẽn con người”
BTO-Bình Thuận đã rời nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất, rời vị trí xếp thứ 53/63 tỉnh thành của năm 2020, vượt 41 bậc để bước vào nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất nước, thuộc nhóm cao nhất nước. Đây là kết quả của toàn hệ thống chính trị từ sự nỗ lực tháo gỡ “điểm nghẽn con người”. Trong đó nổi bật lên vai trò lãnh chỉ đạo và triển khai các giải pháp của chính quyền cấp tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục những hạn chế về Chỉ số PAPI